13 năm làm anh bộ đội văn công hát hò, chiến đấu mải miết ở khắp các cánh rừng của miền Tây Nam Bộ là quãng thời gian Hồ Kiểng nhớ nhất trong đời. Là một diễn viên đa tài lại chịu khó học hỏi nên anh nghệ sĩ trẻ luôn chiếm được lòng các bậc tiền bối đi trước. Họ chỉ dẫn, dìu dắt và tạo cho ông chỗ đứng trong lòng khán giả.
NSƯT Hồ Kiểng vẫn hồn nhiên dù phải hằng ngày chống trả với bệnh tật
Bộ đội miền Tây sau mỗi trận đánh, những ngày hành quân mệt mỏi rã rời chân tay nhưng đêm đến được nghe những làn điệu dân ca, cải lương, tấu hài thì mọi vất vả, hiểm nguy dường như bay hết. Có những thời điểm, đoàn diễn của Hồ Kiểng đi ra tận ngoài Bắc. Vượt qua những cung đường gập ghềnh sỏi đá, bom rơi đạn lạc tứ bề nhưng họ vẫn đem lời ca tiếng hát phục vụ bộ đội. Trải qua hai cuộc chiến thấy mình vẫn còn sống, Hồ Kiểng cảm thấy mình đã là người quá may mắn.
Nhớ đến các đồng đội đã ngã xuống, ông bồi hồi: “Những người lính như chúng tôi, tuy không trực tiếp cầm súng ra trận nhưng góp phần quan trọng vào việc nâng cao tinh thần các chiến sĩ trong mỗi trận đánh. Biết bao kỉ niệm nhớ thương, đau xót qua rồi mà tôi không bao giờ quên được. Lứa tuổi thanh niên đầy tinh thần lạc quan, phấn chấn, hi sinh hết mình trên trên sân khấu mà không đòi hỏi một điều gì”.
Nỗi niềm trăn trở của Hồ Kiểng thật khó chia sẻ với ai bởi lứa tuổi của ông đã qua rồi cái thời khốn khó của nghiệp nghệ thuật biểu diễn. Là tốp nghệ sĩ “sống lâu, sống dai” có thể nói là số một cho đến thời điểm này, Hồ Kiểng vẫn chưa chịu ngừng nghỉ, chưa chịu “bó gối chùn chân” an phận với cuộc đời của một ông già đã sống gần trọn thế kỉ.
Hồ Kiểng vẫn tham gia hăng say vào các vai diễn mỗi khi được mời. Sống trọn kiếp với nghệ thuật, cống hiến trọn đời cho các vai diễn. Tính đến nay, ông đang nắm giữ một kỉ lục về diễn viên đóng nhiều vai phụ nhất Việt Nam (204 vai diễn), sở hữu một “gia tài” đồ sộ về số lần đóng phim. Thế nhưng ông lại là người nghệ sĩ nghèo nhất. Cái nghèo về cả vật chất lẫn tinh thần cho đến gần hết cuộc đời.
Bước chân tứ cố vô thân đi đến tận cùng của dải đất hình chữ S mà chưa có lấy một căn nhà cho ra nhà. Ông ở trong một túp lều tồi tàn, khi bước vào phải cúi xuống mới khỏi chạm đầu của một công ty. Chính vì thế, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trong lần tới thăm Hồ Kiểng đã phải lên tiếng về việc này. Vì thế, mới đây ông mới được cấp một căn hộ chung cư.
Niềm vui nhỏ nhoi mà lão nghệ sĩ nhận được cuối đời như thế là mãn nguyện lắm rồi. Ông bảo, ông không cần gì hết, chỉ cần có sức khỏe để tiếp tục đi diễn. Nghề đã ăn sâu vào máu rồi, không làm sẽ buồn mà chết sớm thôi. Chẳng thế mà thù lao của diễn viên gạo cội như Hồ Kiểng chẳng bao giờ đủ cho ông sắm một cái nhà dù là rất nhỏ.
“Tôi như kẻ làm thuê suốt đời mà làm thuê cho nghệ thuật. Nhiều lúc những người trẻ có nói, đi diễn như Hồ Kiểng thì làm sao nuôi đủ được cái thân huống hồ còn gia đình. Tôi không bao giờ cò kè thù lao với bất cứ một lời mời nào. Vì như thế, vô tình chính mình sẽ đánh mất đi giá trị của một cái nghề” (NSƯT Hồ Kiểng). |
H.N