'Tôi không chà đạp lên quyền tranh luận của các bạn Hải Phòng'

'Tôi không chà đạp lên quyền tranh luận của các bạn Hải Phòng'

Thứ 5, 18/04/2013 14:41

Hôm nay, tôi được phép viết một bài phản hồi lại các bạn. Nhưng tôi không dại gì mà đi tranh luận với các bạn (bởi vì các bạn quá đông) mà chỉ muốn đánh động tới các bạn rằng, các bạn hình như đang mắc một “căn bệnh” (nan y) là luôn hỏi người khác: “Sao lại nói như thế?”.

Lời tòa soạn: Từ khi đăng ngày 15/4 đến nay, bài 'Hải Phòng - Hà Nội: Sống ở đâu thích hơn?' có hơn 21 ngàn like và hàng ngàn bình luận (tòa soạn không thể hiển thị được hết). Ngay sau khi đăng bài báo đó, tòa soạn đã cho đăng liên tục 4 bài báo phản hồi việc này. Như vậy là chúng ta đã có những tranh luận nhiều chiều, sòng phẳng.

Tác giả Nguyễn Vương, người mở đầu cuộc tranh luận bằng bài viết 'Hải Phòng - Hà Nội: Sống ở đâu thích hơn?' làm nóng cư dân mạng, có bài phản hồi tới tòa soạn tranh luận với các độc giả Hải Phòng.

Một lần nữa, tòa soạn mong rằng các độc giả Hải Phòng nói riêng và độc giả nói chung, nếu có ý kiến, hãy thể hiện với tác giả Nguyễn Vương và chúng tôi một cách ôn hòa, lịch sự. Tiêu đề bài báo này do tòa soạn tự đặt.

Lạ & Cười -  'Tôi không chà đạp lên quyền tranh luận của các bạn Hải Phòng'

 Người dân Hải Phòng tập trung ở một vụ án giết người. Ảnh minh họa của báo Tiền Phong.

Chuyện là thế này. Sau khi đến Hải Phòng một tháng làm việc, tôi có về và viết một bài, nêu những cảm nhận riêng của tôi về người và một số thứ liên quan đến người ở đây. Bài viết nhận được nhiều phản hồi, khen cũng có (nhưng ít) và chê thì cũng có (rất nhiều). Đa phần các ý kiến cho rằng, tôi viết láo và giải thích (bằng các bài viết khác và còm men phía dưới bài) rằng, người Hải Phòng chúng tôi là thế này, thế này này, chứ không phải thế kia thế kia đâu!

Hôm nay, tôi được phép viết một bài phản hồi lại các bạn. Nhưng tôi không tranh luận với các bạn (bởi vì các bạn quá đông) mà chỉ muốn đánh động tới các bạn rằng, các bạn hình như đang mắc một “căn bệnh” (nan y) là luôn hỏi người khác: “Sao lại nói như thế?”.

Chắc các bạn cũng biết, mỗi năm Hải Phòng thu hút cả triệu lượt khách tới tham quan, du lịch. Mỗi người đến Hải Phòng có thể thích, có thể không. Đó là suy nghĩ của riêng họ và đó là quyền của họ. Tôi còn nhớ, khi vừa đến Cát Bà đã gặp một người đàn ông đi từ dưới bãi tắm lên (hình như là Cát Cò 3) miệng lẩm bẩm: “Không bao giờ biết đến đây nữa” vì vừa bị “chém” đẹp. Tôi cũng nhớ, chính tôi (vì không bị “chém”) đã phải thốt lên rằng: “Cát Bà đẹp tuyệt!”

Theo tầm nhìn hạn hẹp của tôi thì các bạn, hình như nghĩ tôi đang đại diện cho một tổ chức quốc tế uy tín nào đó. Không ạ! Tôi chỉ đại diện cho chính tôi thôi (thế đã đủ mệt lắm rồi!). Và cứ cho là tôi chê đi nhưng các bạn ơi, các bạn lo gì thế. Các bạn lo không ai đến Hải Phòng nữa à hay họ sẽ nhìn các bạn với một ánh mắt khác? Biết bao người có thể chê các bạn như người đàn ông kia nhưng cũng có biết bao người đang thầm lặng khen các bạn như tôi (ở ví dụ trên) chẳng hạn. Cái quyền cơ bản và đầu tiên của mỗi người, theo tôi, phải là quyền được nói lên những suy nghĩ của mình về một việc nào đó phải không ạ? Vậy thì tại sao các bạn lại hỏi tôi (bằng một giọng rất tu từ) rằng: “Sao lại nói như thế?”.

Lạ & Cười -  'Tôi không chà đạp lên quyền tranh luận của các bạn Hải Phòng' (Hình 2).

Hải Phòng được gọi là thành phố Hoa phượng đỏ

Năm nay, năm du lịch quốc gia với chủ đề “Văn minh Sông Hồng” mà địa điểm chính chắc các bạn cũng biết (vì băng rôn, khẩu hiệu dán đầy thành phố) là Hải Phòng. Mà chắc các bạn cũng biết luôn, hoạt động nổi bật nhất có cái tên rất thơ mộng là “Đồ Sơn biển gọi” cũng sắp diễn ra. Hơn cả những năm khác, tôi tin rằng năm nay khách du lịch sẽ đổ vào Hải Phòng với một lượng lớn. Trong đó, hẳn là sẽ có những người thích và không thích, có thể thích cái này mà không thích cái khác. Các bạn chắc cũng đồng tình với tôi rằng, chúng ta không thể đuổi cổ những người không thích hay “ném đá” cho bằng chết họ. Càng không thể đến bên họ mà giải thích cho họ rằng, Hải Phòng chúng tôi có biết bao thắng cảnh đẹp đáng xem, sao lại cứ thấy những cái xấu để mà ghét thế. Thế thì tại sao các bạn lại hỏi tôi: “Sao lại nói như thế?”.

Tôi thấy, các bạn (hầu hết là trẻ) đang có một “thể trạng” vô cùng yếu và một cái mồm vô cùng to. Các bạn luôn sợ bị chê, các bạn thích khen và sống bằng những lời khen. Nếu ai đó khen bạn, dù chỉ một câu, theo lối bóng gió, ý nhị và kín đáo thì các bạn, có khi vui đến cả tuần. Khi ai đó chê các bạn điều gì thì các bạn nhảy lên (phía trên tình yêu quê hương và sự đoàn kết) hét lớn: “Sao lại nói như thế?”, rồi phân trần, rồi dẫn chứng. Sau đó các bạn tới bên họ, “chụp mũ” qua mắt họ và nói: “Đúng là cái đồ không biết nhìn!”

Xin thưa với các bạn, ở đời, hẳn là chẳng có ai hoàn hảo. Thường thì được cái này và mất cái kia (đôi khi mất tất). Nhưng cũng xin thưa với các bạn, không phải vì thế mà ai cũng như ai. Cuộc sống luôn có những người được quý mến hơn, được tôn trọng hơn và cũng đầy rẫy những kẻ bị xã hội khinh rẻ, coi thường. Nếu các bạn muốn tôi chê ít đi (hay ít người chê đi) thì các bạn tốt lên. Các bạn chắt lọc ra cái hay để nâng niu, giữ gìn, phát triển. Còn cái chưa hay, thì các bạn cũng cứ giữ lấy để mà cân nhắc, trăn trở xem liệu có thể làm cho nó tốt lên không hay nhất định phải bỏ.

Viết đến đây, tôi chợt thấy chùn tay (thật đấy). Vì trong khi chê các bạn thế này, thế nọ thì tôi, lại cũng không muốn chà đạp lên quyền tự do tranh luận của các bạn mà hét lớn: “Sao lại nói như thế?”

Nguyễn Vương

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.