Có thể nói sao về 2 vế của mệnh đề này?
Đó là ngày 4.4.1968, Luther King đã dùng mạng sống của mình đánh đổi “một ước mơ”. Ước mơ “Rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bằng màu da, mà bằng tính cách của chúng”.
Và 30 năm sau đó, Elton John đã cất lên ca khúc “trên chúng ta chỉ là bầu trời” để kỷ niệm chàng sinh viên bất hạnh Matthew Wayne Shepard, đã bị đánh đập, tra tấn đến chết trong một tội ác dã man. Chỉ vì anh là một người đồng tính.
Cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở thế kỷ trước, dường như chưa kết thúc trong thế kỷ này, khi mà đóng vai “người da màu” giờ đây chính là những người đồng tính.
Trở lại với câu chuyện của Jason Collins. Khi quyết định “giơ tay” (tôi đã dùng chữ công khai thay vì viết là thú nhận) anh kể lại: Tôi bắt đầu nghĩ đến điều đó (việc công khai giới tính) từ năm 2011 khi NBA đang diễn ra đình công. Nhưng rồi cuộc đình công khiến tôi phải đối mặt với chính mình, phải tự hỏi rằng mình là ai và mình muốn gì?”.
Anh nói “Đó là một sự giải phóng” khi người đầu tiên anh tâm sự về giới tính, một người dì, một thẩm phán ở San Francisco đã trả lời rằng: “Dì biết cháu là gay từ nhiều năm nay rồi”.
Jason từng hẹn hò với các cô gái, đã đính hôn, đã từng nghĩ mình buộc phải sống theo một chuẩn mực nào đó như cưới một cô gái và nuôi con cùng cô ấy, y như việc: “Tôi luôn tự nói với mình rằng bầu trời có màu đỏ”. Nhưng rồi anh quyết định rằng “Trong thâm tâm, tôi luôn biết bầu trời có màu xanh”.
Khi quyết định tuyên bố giới tính, Jason cũng đã nghĩ đến phản ứng của đồng đội, “Câu trả lời đơn giản là: tôi không biết. Tôi hy vọng vào những điều tốt đẹp, nhưng cũng sẵn sàng cho những điều tồi tệ nhất”.
Thế giới đầy thị phi đầy những bi kịch tày liếp. Năm 1990, Fashanu, cầu thủ đầu tiên công khai giới tính của mình trên truyền hình. Vẫn chỉ là 3 chữ “Tôi là gay”. Fashanu sau đó được tung hô như một người dũng cảm, dám chiến đấu để được thừa nhận giới tính thật, nhưng cùng lúc, ông nhận được hàng “rổ đá”, thậm chí cả với những yêu cầu “cấm tiệt” vì Fashanu đã làm “vấy bẩn hình ảnh bóng đá”. Chẳng phải đồng tính, một thời từng được coi như một căn bệnh đáng sợ, dễ lây lan.
Nhưng về cuối đời, Fashanu đã chọn một cuộc sống ẩn dật, cô độc. Ông kết thúc cuộc đời mình bằng một sợi dây.
“Tôi là gay”. Một thông điệp cực kỳ ngắn gọn nhưng khó khăn.
Ngày hôm qua, khi Jason công khai giới tính trên báo chí thế giới, thì ở một ngôi làng bé nhỏ hẻo lánh nào đó ở xứ Lạng, câu chuyện chàng trai xứ Lạng Nông Văn Hiếu cũng lặng lẽ xuất hiện.
Hiếu sinh năm 1984, đang sống trong một ngôi nhà “lưng lửng” trên một quả đồi nào đó ở Chi Lăng. Ít năm trước, chắc trong một lúc nào đó “phải đối mặt với chính mình”, anh viết đơn xin vào Hội phụ nữ.
Tại sao ư? Anh thẹn thùng đáp: “Đơn giản em chỉ muốn được tham gia sinh hoạt trong một tổ chức nào đó, được trò chuyện… Nhiều người cho rằng hành động đó của em là điên khùng khác người, nhưng em không quan tâm. Quan trọng là em thấy thoải mái và được sống đúng như những gì em mong muốn”.
Sẽ không lấy vợ - Hiếu tâm sự.
Và sự “ở vậy” của anh chính là lời kêu cứu tuyệt vọng của một cộng đồng thiểu số, tuy nhỏ, nhưng cũng là những con người, trước sự từ tuyệt của số đông những đồng loại của mình.
Luật hôn nhân gia đình sửa đổi sẽ được đưa ra Quốc hội trong ít tuần tới với những ý kiến trái chiều về hôn nhân đồng giới. Bộ Tư pháp lên tiếng ủng hộ. Bộ Y tế tán thành trên cơ sở xác định đồng tính luyến ái hoàn toàn không phải là một thứ bệnh tật. Nhưng vẫn còn đó những ý kiến khác. Thật tình cờ, chẳng hạn Hội Phụ nữ, với quan điểm bỏ cấm, nhưng “Nhà nước không thừa nhận việc kết hôn giữa những người có cùng giới tính với nhau”.
Thưa các bạn, chúng ta nói nhiều đến quyền làm người, đến “mưu cầu hạnh phúc”, nhưng phải chăng sự lạnh lùng và cái lắc đầu từ chối với tất cả những gì không giống mình thực ra cũng chỉ là một biểu hiện kỳ thị!
Trong bài hát của Elton John có câu “Tưởng tượng xem tất cả mọi người chỉ sống cho ngày hôm nay”.
Tại sao chúng ta không nhìn lên bầu trời để thấy nó có màu xanh, cho tất cả mọi người!
Theo Lao động