Bố đi lính khi tôi vẫn còn là một hình hài trong bụng mẹ. Đến ngày bố về, tôi chỉ là cô bé con mít ướt, nhìn thấy bố là gào lên khóc vì lạ.
Ngày bố về, ông may mắn hơn đồng đội vì sức khỏe gần như là nguyên vẹn về thể xác nhưng tâm hồn của bố vẫn còn găm lại những mảnh đạn của chiến tranh. Có những hôm đang say giấc ngủ, bố nằm mơ thấy điều gì đó khủng khiếp lắm. Ông cứ ú ớ lên từng hồi, chiếc áo mỏng ướt đẫm mồ hôi cho dù đó là những ngày gió rét mướt.
Bố về, chỉ hơn 1 năm sau tôi có đứa em trai. Tôi vui lắm vì có đứa em chơi cùng nhưng cũng vì thế gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của bố.
Cả hai bố mẹ tôi đều ít học, sống ở một ngôi làng ven đô nơi thị thành. Mẹ đi thúng bán buôn từ sáng mịt mù tới khi mặt trời đã khuất sau nhũng rặng tre trước làng. Bố thì với chiếc xích lô, rong ruổi trên những con đường để mưu sinh. Cả nhà chẳng mấy khi được đoàn tụ, tôi lớn lên với ông bà, họ hàng với những đứa trẻ cùng trang lứa.
Trong kí ức của tuổi thơ, hình ảnh chiếc xích lô của bố như một món quà của quá khứ. Bố tôi dù ở cái tuổi không phải quá già nhưng vì phai sương, giãi nắng khiến ông già như chục tuổi. Cái nắng ngày hè, cái gió rét của mùa đông đã khiến da của bố đen sạm in hằn lên những nét chân chim vì gánh nặng cho chúng tôi ăn học.
Có những lần tôi ngồi yên sau, ngắm trọn khung lưng dài rộng có một chút gù gù của bố như bức tường vững chắc cho tôi điểm dựa. Tôi biết, công việc của bố chở hàng bằng xích lô rất vất vả, cả ngày nhặt nhạnh cũng chỉ đủ cơm ăn ba bữa cho cả nhà.
Tôi cứ thế lớn lên theo những chuyến xích lô của bố, bạn bè nhiều khi có chê cười nhưng tôi vẫn mặc kệ. Bố tôi vẫn mãi chỉ là bố tôi, chiếc áo sờn rách cho tôi cả một tuổi thơ êm đềm.
Rồi một ngày, làng quê ven đô của tôi cũng đổi đời, bỗng chốc nó phát triển thành thành phố. Chiếc xích lô cũ kĩ mòn lóp của bố cũng đến ngày phải “về hưu”. Bố lại loanh quanh mưu sinh khi chị em chúng tôi đứa đang học dở đại học, đứa mới vào cấp 3.
Bố làm đủ thứ nghề, từ đi phu vữa, bốc vác,... cái gì cũng làm để kiếm tiền ăn cho hai chị em. Tôi nhìn bố mà ứa nước mắt.
Có lần tôi xin bố nghỉ học để đi làm, bố chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt tưởng chừng như cả thế giới quay lưng lại với ông. Ngày đó, ông đánh tôi một trận mà tôi nhớ mãi, ông đánh tôi đau mà sao ông lại khóc cho tôi.
Đồng đội của bố khi biết hoàn cảnh, ai cũng thương tình góp mỗi người một ít, mua cho ông một chiếc xe 3 bánh để tiếp tục mưu sinh. Từ đầu, ông một mực từ chối nhưng nhờ những tấm lòng của anh em, giờ bố tôi lại tiếp tục rong ruổi, bán mặt cho đường nắng để kiếm tiền cho các con ăn học.
Chiếc xe đó là tài sản quý giá nhất của bố, ông cưng nó như đứa con thứ 3 của ông. Ngày xưa, ông đạp xích lô, mỗi lần trời nắng gắt hay mưa bão, hai chị em tôi đều rất sợ vì nhỡ xảy ra chuyện gì. Từ khi có chiếc xe ba bánh, có tấm mái che trên đầu, tôi cũng yên tâm hơn cho sức khỏe của ông.
Nhiều khi ông đùa rằng “không có chiếc xe này, chắc cả nhà tôi ra bờ đê mà ở”. Tôi ngẫm lại cũng đúng, vì mưu sinh, vì cơm áo gạo tiền mọi người nên có cái nhìn thiện cảm hơn với những người lái xe chở hàng như bố.
Đó là còn chưa kể tới những người thuê bố tôi, họ cũng đều là người có thu nhập trung bình. Bởi nếu dư dả họ đã tìm tới xe tải vận chuyển cho gọn gàng. Bố tôi từng coi việc làm của mình là giúp ích cho xã hội, không phải gánh nặng cho ai.
Mỗi ngày, bố tôi chở vài ba chuyến hàng, chi phí thu về được nửa triệu nhưng vất vả vô cùng chứ đâu có sung sướng gì.
Nhưng mấy ngày nay, ông nhìn chiếc xe của mình, nhìn “đứa con cưng”, “đồng chí”, “đồng đội” của mình, tôi thấy ông thở dài.
Tôi biết, mấy ngày gần đây xã hội đang bức xức sau hai vụ người dân tử nạn do xe chở hàng cồng kềnh, quá tải,... Bản thân tôi ra đường cũng rất sợ những chiếc xe như vậy. Song xét theo khía cạnh khác, nếu không có chiếc xe đó, những người như bố tôi hay anh em đồng chí của ông sẽ ra sao để tiếp tục mưu sinh? Rồi con cái, vợ chồng sẽ ra sao khi không có thu nhập?
Thị Trang