Từ cậu bé chuyên hát nhạc thiếu nhi
Lúc chúng tôi đến Nhà hát Tuổi trẻ, Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) Hồng Kỳ cùng với nhiều nghệ sỹ trong đoàn Ca múa nhạc đang miệt mài luyện tập các tiết mục "Trái đất này là của chúng mình" cho buổi biểu diễn văn nghệ sắp diễn ra. Nhìn sự say nghề của người nghệ sĩ ấy, chúng tôi mới hiểu rằng, không phải ai cũng đủ sự kiên trì và lòng dũng cảm để đi theo con đường nghệ thuật, nhất là hát để... phục vụ thiếu nhi.
NSƯT Hồng Kỳ cho biết, dường như "nghiệp ca sĩ" đã gắn chặt với anh như một định mệnh. Anh sinh năm 1955 tại Hà Nội, số nhà 44 phố Hàng Bè. Ngay từ 5- 6 tuổi, Hồng Kỳ đã hát các bài hát thiếu nhi trước toàn trường. Năm 1964, lúc ấy cậu bé Hồng Kỳ lên 9 tuổi, anh đã được chọn để tham gia vào đội ca của Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội (nay là cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội). Hồi ấy, cậu bé Hồng Kỳ đã được chọn hát để đón Bác Hồ, Bác Tôn về Hà Nội...
Năm 1965, Hồng Kỳ bắt đầu thu thanh giọng hát trên Đài tiếng nói Việt Nam để phục vụ thiếu nhi cả nước, sau đó ông được chính thức chọn vào đội Sơn ca của Đài tiếng nói Việt Nam, hát trong các buổi phát thanh thiếu nhi và phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" của Đài. Thời gian này, nhờ khả năng ca hát, sự làm việc nghiêm túc, cậu bé Hồng Kỳ đã được ông Trần Lâm - Tổng giám đốc Đài tiếng Nói Việt Nam tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp cho phong trào ca hát của thiếu nhi.
Hồng Kỳ cho biết vào những năm 1960, anh và Như Quỳnh (nay là diễn viên Như Quỳnh) ngày nào sau những giờ học cũng đến Đài phát thanh để thu giọng hát, sau đó phát trên sóng radio trên cả nước cho các em thiếu nhi, nhằm động viên các bạn cùng trang lứa học tập, rèn luyện tốt. Năm 1972, Hồng Kỳ vào làm việc tại Đoàn ca múa nhạc, Đài tiếng nói Việt Nam. Hồng Kỳ cho biết, anh đã được chọn để hát trong dịp khánh thành lăng Bác, đó là những bài hát "Tiếng hát từ Quảng trường Ba Đình" của nhạc sĩ Cao Việt Bách, "Cây đàn ghi - ta" của nhạc sĩ Nguyễn Duyên...
Năm 1980, Hồng Kỳ là nghệ sĩ đầu tiên của Nhà hát tuổi trẻ, anh cho biết, hồi đó, anh được chuyển sang ngang nên có thể nói anh là nghệ sĩ đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ được vào biên chế, sau đó mới có lớp đào tạo nghệ sĩ trẻ như Chí Trung, Ngọc Huyền, Lê Khanh, Lan Hương... những diễn viên này, sau đó đã trở thành lớp "nghệ sĩ Vàng" của Nhà hát Tuổi trẻ.
Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Kỳ bên chiếc xe cổ
Hồng Kỳ cho biết, ngay từ khi về Nhà hát Tuổi trẻ, anh đã "làm quen" ngay với những bài hát dành cho thiếu nhi. Bài đầu tiên anh biểu diễn có tên là "Alin" - một bài nhạc nhẹ của Pháp, sau đó là bài "Lời tâm sự của chú gà trống" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Anh cho biết, cho đến giờ, nhiều bạn đồng lứa vẫn nhớ đến bài hát "Lời tâm sự của chú gà trống" do anh hát hồi đó, đây cũng chính là kỷ niệm đẹp mà NSƯT Hồng Kỳ không quên được. Mỗi lần nhớ về bài hát đó, dường như cả tuổi thơ của các em thiếu nhi Hà Nội thời kỳ chống Mỹ lại hiện lên trong tâm trí anh, và chính bài hát này đã làm nên tên tuổi của Hồng Kỳ hồi đó.
Anh cho biết, nhiều người gọi anh là người nghệ sĩ không có tuổi, vì chuyên hát nhạc cho thiếu nhi, nên Hồng Kỳ lúc nào cũng giữ cho mình sự trẻ trung, vui tươi như cậu bé...10 tuổi. Dường như nghề nghiệp đã chọn anh rất tình cờ, vì cả họ hàng nhà anh hai bên không ai đi theo nghệ thuật. Theo anh, điều quan trọng nhất của một người nghệ sĩ là biết sống với đam mê của mình, dám nghĩ, dám làm thì thành công sẽ đến.
Đến danh hiệu nghệ sĩ của tuổi thơ
Tốt nghiệp khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), hiện Hồng Kỳ là phó trưởng đoàn, đoàn Ca múa nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ. Năm 1981, nghệ sĩ Hồng Kỳ đã giành huy chương Vàng trong Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc trong chương trình "Mùa xuân và tuổi trẻ". Năm 1982, anh đạt giải nhì khi biểu diễn bài hát "Điệu nhảy trên trống" nhạc Nga. Trong bài hát này, Hồng Kỳ vừa đánh trống, vừa hát khiến khán giả rất thích thú. Năm 1984, anh lại đạt huy chương Vàng của Trung ương đoàn Thanh niên Tiệp Khắc với tiết mục "Sông Đakrông mùa xuân về" theo phong cách nhạc rook rất hiện đại. Với sự nỗ lực của mình, những năm sau đó, Hồng Kỳ đạt rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, ghi dấu ấn trong lòng khán giả, đồng nghiệp.
Tuy nhiên, nhắc đến Hồng Kỳ, người ta thường nhắc đến những chương trình thiếu nhi, bài hát "đo ni đóng giày" cho anh là bài "Alibaba". Từ bài hát này, mọi trẻ em đều biết đến một Hồng Kỳ trong vai một chàng trai Ả Rập hát rất vui nhộn, thoải mái, hát đến đâu, phía dưới các em thiếu nhi phụ họa theo rất hào hứng. Điều đó giúp anh hóa thân vào nhân vật và thể hiện thành công hơn. Và chính chàng Alibaba may mắn đã đem lại cho Hồng Kỳ thêm một huy chương Vàng.
Hơn 10 năm qua, hễ nhắc đến Hồng Kỳ là người ta nhắc đến bài hát "Alibaba" và ngược lại. Anh cho biết, điều thú vị nhất bây giờ là mỗi khi gặp anh ngoài đường, nhiều trẻ em nhìn thấy anh lại reo lên: "Alibaba ơi" đó là một niềm hạnh phúc mà chỉ những người làm trong nghề mới hiểu được, nó quý hơn biết bao danh hiệu khác. Từ năm 1990 đến nay, anh quyết định chuyên sâu vào biểu diễn phục vụ thiếu nhi. Một loạt những bài hát do anh thể hiện như: "Tí Sún", "Khóc nhè", "Người máy", "Bích và Bo", "Tây du ký", "Làm anh"... Mỗi bài đều có một sự tìm tòi sáng tạo, từ phục trang đến phong cách biểu diễn, nên rất gần gũi các em và được các em đón nhận nồng nhiệt. Xuất sắc nhất phải kể đến bài "Tây du ký", các em không những nghe Hồng Kỳ hát, mà còn được sống với nhân vật Tôn Ngộ Không mưu trí, dũng cảm, vui nhộn...
Hồng Kỳ cho biết, cho dù có hát nhiều bài hát khác thì anh vẫn mãi là "chàng" Alibaba của các em nhỏ Việt Nam - một chàng trai dũng cảm, thông minh đã đuổi được 40 tên cướp để có một cuộc sống bình yên. Năm 2001, Hồng Kỳ được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú - đó là sự ghi nhận đối với những cố gắng của anh trong nghệ thuật. Nhưng anh cho biết, danh hiệu không quan trọng, điều quan trọng là niềm đam mê để cho ra đời những tác phẩm, tiết mục hay, có tính giáo dục đối với thế hệ trẻ.
Ngoài đam mê với nghệ thuật, với những bài hát dành cho thiếu nhi, có một niềm vui mà Hồng Kỳ cũng rất quan tâm mỗi khi muốn thư giãn, đó là thú chơi vespa cổ. Anh cho biết, hiện tại anh có 5 chiếc vespa cổ, chiếc quý nhất là chiếc vespa sprint ra đời năm 1968, sau đó là chiếc vespa PK 80 S, sản xuất từ năm 1984 - 1986, là dòng xe "chập chững" của Piaggio khi chuyển mình từ xe côn tay sang xe tay ga. Vespa PK 80 S Automatica được sản xuất tại Ý và xuất sang thị trường Đức... đó là chiếc xe duy nhất ở Việt Nam, và nhờ thú chơi xe cổ mà Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Kỳ tình cờ có được hay chiếc vespa LX của Ý xuất sang Việt Nam năm 2007 và PX 125 ra đời năm 2012... cũng là những "người tình" anh rất quý. Chính những phút thăng hoa trên sân khấu và những phút thư giãn ngoài đời với thú vui “thành thị" về vespa như thế, đã giúp cho Hồng Kỳ có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật, cân bằng được cuộc sống vốn nhiều căng thẳng của người nghệ sĩ.
Bình yên cuộc sống riêng và hạnh phúc qua những vai diễn NSƯT Hồng Kỳ cho biết, hai cô con gái của anh đã lấy chồng, cuộc sống của anh rất bình yên bên người vợ là giáo viên trường tiểu học Cát Linh, Hà Nội. Ngoài những buổi diễn ở Nhà hát Tuổi trẻ, anh và các đồng nghiệp của mình đi lưu diễn ở các chương trình ở nước ngoài trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, hay lên vùng cao, ra Trường Sa... để đưa đến cho trẻ em những tiếng cười thoái mái, định hướng các em sống thiện hơn, nhân văn hơn. Trong những chuyến đi diễn "Alibaba" và "Tây du ký", NSƯT Hồng Kỳ được khán giả nhí yêu quý. Kỷ niệm sâu sắc với anh là khi nhận được thư của một em nhỏ tật nguyền bị mù hai mắt, cụt tứ chi ở Lâm Đồng. Em hỏi xin một băng cát sét có hai bài hát "Alibaba và Tây du ký", vì dù không nhìn thấy anh nhưng em vô cùng yêu mến giọng hát của anh. Anh đã đáp ứng yêu cầu của em và tiếp tục giúp đỡ em trong cuộc sống. |
Lạc Thành