Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới ký Nghị quyết số 68 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Chính phủ lên mục tiêu tới 2025 có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD. 100% DNNN có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon.
Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 mục tiêu tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nghị quyết là giao nhiệm vụ cho DNNN triển khai nghiên cứu đầu tư một số dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong đó kể đến như: năng lượng (trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), công nghiệp bán dẫn, đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia (như đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển...), hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất (như luyện thép, hóa dầu)... trên cơ sở thế mạnh, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Chính phủ yêu cầu nâng cao vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ để hút thêm nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng.
Chính phủ cũng nêu quan điểm sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải thông qua thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành, chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Các doanh nghiệp Nhà nước cũng cần ngăn tình trạng móc ngoặc, lợi ích nhóm hay sân sau; cũng như tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai và áp dụng mô hình kinh doanh mới... để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh.
Hiện sàn HoSE có 49 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD, chiếm 80% thị trường, trong đó có một số doanh nghiệp có vốn Nhà nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sabeco, Viglacera...
Tính đến đầu năm 2021, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại ngày 31/12/2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế với khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động.
Quy mô tài sản bình quân của một DNNN là 6.095 tỷ đồng, cao gấp 18 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 139 lần doanh nghiệp dân doanh. Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.