Vụ việc làm dậy sóng dư luận khi phát ngôn viên của chính phủ Đức ra thông cáo khẳng định có thông tin về việc điện thoại của Thủ tướng Đức bị NSA theo dõi, bà Angela Merkel đã trực tiếp nói chuyện điện thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị có lời giải thích chính thức.
Liên minh châu Au tức giận
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Mỹ cần phải tái lập sự tin tưởng với châu Âu sau khi việc cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe trộm điện thoại di động của bà bị phát hiện.
Thông báo được đưa ra khi bà Merkel đến dự một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ. Hội nghị thượng đỉnh lần này có nguy cơ bị lu mờ bởi những tức giận của châu Âu xung quanh việc Mỹ đã theo dõi họ.
"Chúng tôi cần sự tin tưởng, và bây giờ thì niềm tin phải được thiết lập lại. Việc theo dõi bạn bè là hành động không thể chấp nhận được. Chúng ta (Liên minh châu Âu) cần phải thảo luận về việc bảo vệ những dữ liệu của chúng ta và quản lý nó một cách chặt chẽ", Thủ tướng Merkel nói.
Hôm thứ tư, Thủ tướng Merkel đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngay sau khi chính phủ Đức thông báo về những tin tức Mỹ có thể đang theo dõi điện thoại di động của bà. Hôm thứ năm, trả lời báo giới về thông tin Mỹ theo dõi điện thoại bà Merkel, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết: "Nhà Trắng không bình luận gì về tất cả những cáo buộc liên quan đến hoạt động tình báo". Ông Carney cũng nhắc lại những gì Tổng thống Mỹ trả lời Thủ tướng Đức rằng Mỹ không bao giờ theo dõi điện thoại của bà Merkel và không có ý định làm điều đó.
Thông báo của Nhà trắng nói rằng cả hai nhà lãnh đạo đồng ý gia tăng hợp tác tình báo giữa hai nước nhằm bảo vệ cả hai quốc gia cũng như đồng minh của hai nước cũng như bảo vệ quyền riêng tư của công dân mỗi nước.
Mùa hè năm nay, bà Angela Merkel trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã bác bỏ khả năng bà bị cơ quan an ninh Mỹ nghe lén điện thoại. Vài tuần sau đó, phụ trách bộ phận an ninh của Đức xác nhận vụ NSA đã khép lại.
Tổng thống Obama đã đảm bảo với Thủ tướng Merkel khi ông thăm Đức hồi tháng Sáu rằng Mỹ sẽ không do thám công dân Đức và phóng viên Evans cho biết khi đó bà Merkel đã bị các đối thủ chính trị của bà chỉ trích vì đã dễ dàng tin vào lời của ông Obama.
Những thông tin đó xuất phát từ các tài liệu mật do cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ. Snowden hiện đang tị nạn ở Nga. Tờ báo Der Spiegel, vốn đã đăng tải những thông tin do Edward Snowden tiết lộ, cho biết đó là do kết quả cuộc điều tra của họ.
Về phần giới chính trị, cánh tả cũng như cánh hữu đều lên án hành động nghe lén là không thể chấp nhận được và sẽ làm đổ vỡ lòng tin giữa hai đồng minh. Một nhật báo Đức nhấn mạnh rằng, trước kia, Hoa Kỳ vẫn là biểu tượng của sự tự do, nay lại ứng xử như một cường quốc bất chấp luật pháp và coi thường đồng minh.
Về chính sách đối nội, tờ báo Süddeutsche Zeitung nhận định Thủ tướng Đức giờ đây chắc sẽ không bị chỉ trích quá nhiều về lập trường trên hồ sơ này. Cánh tả cũng đã đỡ cứng rắn hơn trước. Hôm qua họ đang chuẩn bị cộng tác với bà Merkel trong chính phủ mới.
Hoạt động tình báo Mỹ: Liên tiếp các vụ bê bối
Đức đã triệu hồi đại sứ Mỹ tại Berlin sau khi Thủ tướng Đức gọi điện cho Tổng thống Mỹ vì có thông tin Hoa Kỳ theo dõi các cuộc điện đàm của bà. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle sẽ gặp Đại sứ John Emerson trong điều được xem là bước đi bất thường giữa hai đồng minh thân cận. Berlin đã yêu cầu "lời giải thích toàn diện và ngay lập tức" từ Washington về cái mà họ gọi là "sự tổn hại niềm tin nghiêm trọng".
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức đã phản ứng rất mạnh mẽ về cuộc nói chuyện điện thoại giữa bà Merkel và ông Obama hôm qua với tuyên bố: "Nếu như sự việc này được khẳng định là có thực, chúng tôi đánh giá là không thể chấp nhận được. Đó là giọng điệu cương quyết cùng với lập trường mềm mỏng của chính phủ Đức trong những tuần qua".
Thông cáo của phủ Thủ tướng Đức viết: "Giữa những người bạn và đối tác gần gũi như trường hợp của Cộng hòa Liên bang Đức và Hoa Kỳ trong nhiều chục năm qua, không nên có chuyện theo dõi các cuộc nói chuyện của người đứng đầu chính phủ".
Thông cáo này cũng cho biết bà Merkel đã nói với ông Obama rằng: "Hành động như vậy cần phải được ngăn chặn ngay lập tức". Phóng viên BBC Steve Evans ở Berlin cho biết có những dấu hiệu cho thấy bà Merkel đã không nhận được lời cam kết nào từ phía Mỹ bởi vì thông cáo này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.
Một số đồng minh của Mỹ đã bày tỏ tức giận trước các cáo buộc Mỹ do thám họ. Cáo buộc từ phía Đức đến cùng thời điểm sự việc báo Le Monde đưa thông tin NSA đã chặn hơn 70 triệu cuộc điện thoại của công dân Pháp trong hơn 30 ngày.
Phát ngôn viên của NSA, khi được phỏng vấn, từ chối công bố rộng tãi trên phương tiện truyền thông những hoạt động tình báo cụ thể. "Chúng tôi không có gì mờ ám. Nước Mỹ tập hợp thông tin tình báo nước ngoài giống cách làm của tất cả các nước khác", bà Caitlin Haden, phát ngôn viên của NSA nói.
Trong một diễn biến khác, nhật báo uy tín của Anh The Guardian mới đây cũng trích dẫn một tài liệu mà Edward Snowden cung cấp cho biết NSA đã theo dõi điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới. Bản báo cáo được ghi chú từ năm 2006, thời điểm trước khi ông Obama lên làm Tổng thống. Tuy nhiên, báo cáo không nêu đích danh bất kỳ cái tên nào trong số 35 lãnh đạo trên.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã hủy chuyến công du Mỹ để phản đối hành động do thám mà cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ bị cáo buộc nhằm vào đất nước của bà, trong đó có theo dõi các cuộc nói chuyện tại văn phòng của bà.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, bà Rousseff đã bác bỏ lập luận của Mỹ rằng việc do thám các cuộc trao đổi là nhằm để bảo vệ các nước trước các nguy cơ khủng bố, buôn bán ma túy và các tội phạm có tổ chức khác.
Chính phủ Mexico đã gọi cáo buộc Mỹ do thám hai tổng thống của họ là Enrique Pena Nieto và đương kim Tổng thống Felipe Calderon là "không chấp nhận được".
Các nhà lãnh đạo châu Au thúc đẩy việc bảo vệ dữ liệu Cuộc họp hai ngày của Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu được cho là tập trung vào các vấn đề kỹ thuật số, chính sách kinh tế xã hội và di cư sẽ bị ảnh hưởng. Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault nói rằng Pháp sẽ đưa vào chương trình nghị sự những vấn đề về giám sát thiết bị điện tử. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề bảo vệ dự liệu như là một phần trong cuộc họp. Viviane Reding, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước Eu cam kết áp dụng một đạo luật bảo vệ dữ liệu để làm sáng tỏ những vụ bê bối gián điệp gần đây. |
Xuân Hoàng (theo CNN, BBC, RFI)