Vạch trần thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao
Ngày 25/10, Công an TP.HCM thông tin về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, cơ quan này đã nêu một số vụ lừa đảo bằng phương thức nói trên được ghi nhận trong thời gian qua. Theo đó, ngày 7/6/2019, trung tâm giám sát An ninh công ty Cổ phần Dịch vụ Bảo vệ ngân hàng Á Châu tiếp nhận thông tin từ công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia về các khiếu nại của nhiều chủ thẻ ngân hàng bị mất tiền, mặc dù không thực hiện bất kỳ cuộc giao dịch nào.
Qua triển khai phương án giám sát đối tượng qua camera an ninh và tuần tra tại các điểm ATM, vào lúc 19h33 ngày 09/6/2019, lực lượng bảo vệ ngân hàng phát hiện một đối tượng đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bằng thiết bị điện tử tại trụ máy ATM trên đường 3/2 phường 14, quận 10.
Lực lượng bảo vệ ngân hàng đã bắt quả tang, tạm giữ đối tượng và bàn giao Công an Phường 14, quận 10 lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, ngày 24/8/2019, nhân viên bảo vệ ngân hàng Sacombank (chi nhánh Bình Trưng Tây, quận 2) phát hiện 01 người đàn ông nước ngoài đến trụ ATM đặt trước trụ sở ngân hàng và gắn 01 thiết bị công nghệ.
Đến 18h40 cùng ngày, Tổ bảo vệ ngân hàng đã bắt quả tang đối tượng người nước ngoài, thu hồi thiết bị đã lắp đặt và bàn giao cho Công an TP.HCM xử lý theo quy định của pháp luật.
Công an TP.HCM cũng ghi nhận thêm một vụ khác vào lúc 16h00 ngày 10/9/2019. Cụ thể, ông N.L.Đ. đến ngân hàng Vietinbank – Phòng giao dịch Nguyễn Duy Trinh (quận 2) yêu cầu mở 01 tài khoản thanh toán, có đăng ký dịch vụ Internet Banking và chuyển toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm (740 triệu đồng) vào đó.
Nhận thấy khách hàng có biểu hiện lo lắng, thường xuyên ra ngoài nghe điện thoại nên nhân viên ngân hàng nghi ngờ khách hàng có thể bị các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Vì vậy, nhân viên ngân hàng đã trấn an ông N.L.Đ. bớt lo lắng và yêu cầu ông nói lý do mở tài khoản thanh toán có đăng ký dịch vụ Internet Banking.
Sau khi bình tĩnh, ông Đ. cho biết, đã nhận được nhiều cuộc gọi từ một người lạ xưng danh là công an. Họ yêu cầu chuyển hết số tiền tiết kiệm vào tài khoản chỉ định để bộ Công an điều tra, xác minh do ông có liên quan đến hoạt động phạm tội rửa tiền xuyên quốc gia.
Nhân viên ngân hàng đã đề nghị ông này trình báo cho cơ quan công an vụ việc trên để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ những vụ việc nêu trên, Công an TP.HCM "bóc trần" một số thủ đoạn mà các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường sử dụng như: Lừa khách hàng tự chuyển tiền, đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng, cử dụng cuộc gọi điện thoại giả danh cơ quan Nhà nước, sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP) giả số điện thoại cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, cơ quan công an cho biết, số điện thoại lừa đảo sẽ xuất hiện thêm các đầu số: 1080, +084028 hoặc +028,… phía trước các đầu số máy giả mạo hiển thị khi gọi đến.
Đề nghị ngân hàng, người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa
Không những vạch trần những phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, Công an TP.HCM còn đề nghị các ngân hàng, người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Đối với các chi nhánh, phòng giao dịch các ngân hàng: Tăng cường giám sát các máy ATM qua camera, kiểm tra trực tiếp, nhất là các máy ATM đặt ở những nơi vắng người qua lại để kịp thời phát hiện các thiết bị lạ gắn trong buồng máy ATM.
Phân công nhân viên thường xuyên trực 24/24 giờ đường dây điện thoại nóng (hotline) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của nhân dân về tình hình an ninh trật tự xung quanh máy ATM.
Khi phát hiện đối tượng sử dụng thẻ ATM giả để giao dịch nhanh chóng thông báo cho lực lượng Công an phường, xã, thị trấn nơi có đặt máy ATM để phối hợp xử lý.
Khi khách hàng có hoạt động gửi, chuyển số tiền lớn đi kèm tâm lý lo lắng, bất ổn, nhân viên ngân hàng nên tư vấn, trao đổi thông báo cho khách hàng về thủ đoạn hoạt động lừa đảo bằng công nghệ cao để khách hàng cảnh giác.
Đối với người dân, cần chú ý giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng (tuyệt đối không tiết lộ mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với người lạ, kể cả nhân viên ngân hàng).
Xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính (không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa xác thực; cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội, Email, điện thoại, thư giấy, SMS, mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan Nhà nước).
Kiểm tra thông tin của trang website khi thực hiện giao dịch trực tuyến (chỉ nên thực hiện giao dịch tại các website uy tín, có độ bảo mật cao…).
Hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng, tại quán cafe để đăng nhập, thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử; luôn tải và cập nhật các phần mềm bảo mật, diệt virus, tường lửa mới nhất cũng như phiên bản mới nhất của các ứng dụng cung cấp bởi ngân hàng.
Thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng của ngân hàng liên kết với dịch vụ điện tử và các website thương mại điện tử ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.
Khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM, POS, người dân phải quan sát khe thẻ trên máy ATM, bảo đảm không có thiết bị lạ và che bàn phím khi nhập số PIN.
Phát hiện tài khoản/thẻ phát sinh những giao dịch gian lận hoặc có vướng mắc, phải gọi liên lạc ngay số Hotline ngân hàng liên quan.
Đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản nhằm kịp thời phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các giao dịch bất thường.
Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng Công an, Viện Kiểm sát, nhân viên ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định.
Người dân tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể.