Thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tán thành với những nội dung trong các báo cáo, đã nêu rõ kết quả đạt được, tồn tại.
Vị ĐB cho rằng, tội phạm trong năm 2016 đã được kiềm chế, giảm so với năm trước. Điều này thể hiện sự quyết liệt của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là lực lượng công an. Điều này cũng thể hiện sự dũng cảm, hy sinh của lực lượng công an trong hoạt động tấn công, trấn áp tội phạm. Có sự chuyển biến tốt, tích cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Các cơ quan truy tố, điều tra, xét xử ngày càng nâng cao về chất lượng, nhất là trong chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Năm 2016, các cơ quan tư pháp cũng đã chú trọng đến công tác quản lý, giáo dục cán bộ, kịp thời xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Cán bộ, nhất là cán bộ tư pháp sai phạm thì càng phải xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, ĐB cũng băn khoăn, tội phạm giảm nhưng vi phạm pháp luật trong năm 2016 lại có xu hướng gia tăng. Vi phạm pháp luật tăng nhưng xử lý vi phạm lại giảm. Báo cáo Chính phủ nêu tình hình vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó nổi cộm là trật tự giao thông, môi trường, xây dựng… là những vấn đề bức xúc. Nhưng việc xử phạt của lực lượng công an lại giảm 7,39% số vụ, 0,43% số tiền.
Các cơ quan chức năng xử phạt giảm hơn 500 nghìn đối tượng và giảm số tiền vi phạm là 65%. Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ nêu số liệu 6 tháng đầu năm và đang cập nhật tiếp số liệu vi phạm hành chính. Báo cáo như vậy cho thấy sự thiếu quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong xử lý vi phạm hành chính. Xử lý vi phạm hành chính không nghiêm, có thể bỏ lọt tội phạm, hành chính hóa quan hệ dân sự.
Thực tế, có một số vụ việc, qua kết luận thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu tội phạm tham nhũng nhưng nhiều cơ quan chức năng các cấp có thẩm quyền xử lý hành chính nên công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng không nghiêm, thiếu đồng bộ giữa các cấp các ngành. Điều này cũng cho thấy trật tự an toàn xã hội không tốt. Như vậy, người dân sẽ chưa yên tâm với tình trạng vi phạm pháp luật tăng.
Thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm pháp luật, phát hiện oan sai của các cơ quan điều tra truy tố xét xử còn hạn chế. Còn có tình trạng chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm trong xem xét trách nhiệm. Có những vụ án Chủ tịch nước yêu cầu, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan chức năng phải xem xét kết luận có hay không nhưng thực tế, nhiều vụ án đang kéo dài, chưa kết luận. Như vậy là có sự đùn đẩy.
Trên thực tế, có những vụ việc, công dân không vi phạm pháp luật, không phạm tội, lẽ ra tuyên không phạm tội nhưng các cơ quan tư pháp lại không tuyên không phạm tội mà có thể ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.
Dương Thu (ghi)