Thưa ông, thời gian gần đây trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cán bộ ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản. Phải chăng hoạt động quản lý ngân hàng còn không ít kẽ hở khiến tội phạm dễ dàng lợi dụng?
Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến và trầm trọng. Nó có thể bắt gặp ở rất nhiều nền kinh tế và ở bất cứ bối cảnh nào. Tuy nhiên, gần đây ở Việt Nam, hoạt động này rộ lên rất nhiều và nặng nề. Nó gắn liền với hai nguyên nhân lớn, thứ nhất là do quản trị rủi ro và quản trị luật pháp của ta còn có kẽ hở, cả về mặt quy định và mặt thực thi. Thứ hai là do tình trạng khó khăn về kinh tế, nợ đọng, nợ xấu dẫn đến các cơ hội, cũng như các kẽ hở để những người làm ngân hàng lợi dụng ép người vay làm theo ý mình, hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để trục lợi cho mình.
Hoạt động quản lý ngân hàng còn quá nhiều kẽ hở để các tội phạm lợi dụng, trục lợi cho mình (ảnh minh họa).
Đạo đức của một bộ phận nhân viên đang bị xuống cấp trầm trọng cũng là một lý do khiến các vụ phạm tội trong lĩnh vực này ngày càng gia tăng. Chất lượng nhân viên ngân hàng còn nhiều điều đáng bàn. Do chúng ta có một thời kỳ phát triển quá nhanh về hệ thống ngân hàng, chưa coi trọng về vấn đề đào tạo cán bộ, cũng như siết chặt quản lý kỷ luật cả về đạo đức cũng như luật pháp nên không tránh khỏi những rủi ro đạo đức và rủi ro chính sách.
Mới đây, khảo sát của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đối với 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng cho thấy, trong 117 bị can bị khởi tố thì có tới 81 bị can là cán bộ ngân hàng (chiếm 69,2%). Số tiền thiệt hại lên tới 11.000 tỷ đồng, 3.379 lượng vàng. Ông đánh giá ra sao về những con số trên?
Con số thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng của hàng chục vụ việc đã cho thấy hệ quả của tình trạng trên rất khủng khiếp. Nó tác động đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng cũng như lòng tin vào hệ thống này. Nó gây ra những ảnh hưởng đến việc tăng chi phí vốn cũng như không minh bạch trong hoạt động cho vay. 11.000 tỷ và hơn 3.000 lượng vàng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một hệ quả nữa chúng ta có thể thấy là, vai trò của hệ thống ngân hàng sẽ bị giảm đi.
TS. Nguyễn Minh Phong.
Ngoài ra, có một điểm nguy hiểm là nó có sự gắn kết giữa những tội phạm ngân hàng với tín dụng đen hiện nay. Các nhân viên ngân hàng huy động chính thức rồi mang đi cho vay đen. Khi tín dụng đen vỡ thì hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo.
Nhiều người cho rằng, do đặc thù ngành nghề, nên không ít người làm trong lĩnh vực ngân hàng dễ bị đồng tiền mê hoặc dẫn đến hành vi phạm tội. Bản chất vấn đề có đơn giản như thế?
Nhận định đó có thể có nhưng không đáng kể. Đã gọi là kinh doanh thì đều gắn đến tiền. Đâu phải ai làm trong ngân hàng cũng trực tiếp được ngồi đếm tiền. Các nhân viên ngân hàng dùng các xảo thuật, không phải đụng vào đồng tiền mà vẫn được sở hữu hàng đống tiền. Bản chất của nó chính là tội phạm, tham nhũng và những lĩnh vực đạo đức khác chứ không đơn giản chỉ là do sức hấp dẫn của nghề.
Xin ông nói rõ về các thủ đoạn mà một số nhân viên ngân hàng thường sử dụng để lừa đảo, chiếm tiền của khách hàng?
Vấn đề này thuộc về kỹ thuật và quy trình của từng đơn vị. Song chắc chắn trong những quy trình đó vẫn tồn tại một vài kẽ hở, sự lỏng lẻo. Trên thực tế, còn có tình trạng xuất hiện cả một dây tội phạm, từ sếp cho tới nhân viên. Họ móc nối với nhau để lập hợp đồng vay giả: Vay thực tế thì nhiều nhưng lại cho người ta vay ít; nâng khống thế chấp từ 200-300 triệu đồng thành 20-30 tỷ đồng. Ngoài ra, có thể có các chiêu như nhận tiền mà không nộp vào ngân hàng, sử dụng con dấu của ngân hàng để đóng dấu khống lên phôi giấy trắng, có in logo ngân hàng; giả mạo chữ ký của lãnh đạo ngân hàng để làm chứng thư bảo lãnh; làm giả giấy rút tiền mạo tên khách hàng gửi tiền tiết kiệm...
Theo ông, nên có giải pháp, hướng xử lý như thế nào để giảm thiểu tội phạm ở ngành ngân hàng?
Thực ra, tôi nghĩ các giải pháp không khó, mà quan trọng là chúng ta có dám làm hay không mà thôi. Trên thực tế cũng đã có những biện pháp rõ ràng rồi. Một là luật phải cụ thể hoá và bao quát tất cả các trường hợp có thể xảy ra trong phạm vi ngân hàng, đặc biệt là phải tiêu chuẩn hoá các hoạt động, quy trình, tiêu chí cũng như các điều kiện và các khả năng về quản trị, nhất là quản trị rủi ro. Đồng thời, phải thể chế hoá thành những quy định kèm theo các chế tài cũng như các cơ chế kiểm soát để tránh những lạm dụng, nhất là những lạm dụng mang tính chất tập thể, nhóm. Các hiện tượng kiểm tra ngoài, kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất là rất quan trọng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thông tin ngày càng cao về các hoạt động đó để tạo ra sự kiểm soát xã hội.
Xin cảm ơn ông!
P.Hạnh - V.Chương (thực hiện)