Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, do nhiều nguyên nhân tình hình tội phạm đang có nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Hệ lụy để lại đằng sau những vụ án này cũng hết sức khôn lường, nó không chỉ ảnh hưởng tới thể chất mà còn ảnh hưởng tới tâm sinh lý, sự phát triển bình thường, đeo đẳng các cháu suốt một thời gian dài thậm chí là suốt cả cuộc đời.
Do chủ thể trong vụ án này hết sức đặc biệt nên Thông tư 02/2018/TT-TANDTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2018 tới đây đã quy định chi tiết về việc áp dụng mô hình phòng xử thân thiện để xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Qua nghiên cứu, cập nhật văn bản pháp luật mới, luật sư Thanh Bình (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, những vụ án hình sự có bị cáo hoặc có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Luật sư Bình nói thêm, do người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi được coi là chủ thể đặc biệt nên pháp luật hiện hành cũng đã có một số chế định riêng về việc xét xử đối với chủ thể này. Tại Điều 6 của Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) quy định chi tiết về mô hình phòng xử án thân thiện đối với người dưới 18 tuổi, cụ thể như sau: "Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng...".
Khi tiến hành mở phiên tòa thân thiện, Thông tư 02/2018/TT-TANDTC còn quy định rõ: Thẩm phán phải mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân (không mặc áo choàng); Vụ án có người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; Đối với những vụ án khác, khi có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai; Không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
"Tất cả những quy định trên đều nhằm mục đích đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp một cách tốt nhất cho những người dưới 18 tuổi khi tham gia phiên tòa", luật sư Bình nói.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử thời gian qua cũng cho thấy nổi cộm lên một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây chấn động dư luận. Chúng ta không khỏi rùng mình về tính chất côn đồ, hung hãn, manh động của những kẻ phạm tội. Nhưng điều lo ngại hơn cả đó chính là tình trạng trẻ hóa tội phạm.
Liệt kê một vài vụ án điển hình như vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước do đối tượng Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) và đồng phạm Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước), Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) gây ra. Hay vụ Lê Văn Luyện sát hại cả gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang từng gây rúng động một thời.
Riêng trường hợp của Lê Văn Luyện, mặc dù gây ra tội ác "trời không dung, đất không tha", nhưng "sát thủ" này vẫn thoát án tử vì đơn giản thời điểm gây án, Luyện chưa đủ 18 tuổi.
Một câu hỏi được đặt ra, vậy những hung thủ như Lê Văn Luyện có là đối tượng được xét xử tại phiên tòa thân thiện hay không?
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - nguyên Thẩm phán của TAND TP.Hà Nội cho biết, với cương vị là một thẩm phán, trực tiếp xét xử nhiều vụ án hình sự từ đơn giản tới phức tạp, bà nhận thấy những nhà làm luật đã căn cứ vào tình hình xét xử thực tiễn để xây dựng các quy phạm pháp luật hết sức phù hợp, chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo được tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật.
Riêng đối với những vụ án hình sự có bị cáo hoặc người bị hại dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác thì sẽ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên (Điều 3, Thông tư 02/2018/TT-TANDTC), quy định như vậy là thể hiện tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật.
Tuy nhiên, đối với những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, mặc dù dưới 18 tuổi nhưng vẫn cần thiết phải có những chế tài thích đáng mới đủ sức răn đe, giáo dục tội phạm cũng như để phòng ngừa chung.
Nguyên thẩm phán tòa Hà Nội cho biết, pháp luật chia ra làm hai loại phòng xử án là Phòng xử án hình sự bình thường và Phòng xét xử thân thiện.
Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 02/2018/TT-TANDTC thì "1. Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.
2. Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 151, 168, 169, 170, 171, 248, 249, 250, 251, 252 và 299 của Bộ luật Hình sự.
3. Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên.
4. Vụ án hình sự mà bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác" thì xét xử tại Phòng xử án hình sự.
"Còn những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 4 của Thông tư này thì xét xử tại phòng xét xử thân thiện (quy định tại Điều 5, Thông tư này)", nguyên Thẩm phán Kim Dung cho hay.
Chiếu theo quy định của pháp luật, thì những hung thủ như Lê Văn Luyện, mặc dù dưới 18 tuổi, nhưng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì không được đưa ra xét xử tại phòng xử thân thiện mà phải đưa ra xét xử tại phòng xử án hình sự thông thường như những loại tội phạm khác.
Nguyên thẩm phán Kim Dung cho rằng về nguyên tắc, phòng xử án nào cũng phải được bố trí trang nghiêm, an toàn, bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án và một khi đã đưa ra xét xử hình sự vụ án nào đó, Thẩm phán cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật; tội trạng đến đâu, xử lý đến đó.