Dự án Luật Hộ tịch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận lần đầu từ phiên họp tháng 9/2012. Theo dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ tư vào cuối năm 2012. Tuy nhiên trước quá nhiều băn khoăn chưa có lời giải thỏa đáng, dự án luật này đã được đề nghị lùi lại để chỉnh sửa, hoàn thiện thêm.
Tại phiên họp thảo luận về Dự án Luật Hộ tịch chiều 13/8, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển hỏi, Luật Hộ tịch ra đời có gây thêm phiền phức cho người dân hay không? Khi có sổ hộ tịch này đăng ký kết hôn hay khai sinh có phải cấp những giấy tờ này như trước nay không hay chỉ ghi vào sổ hộ tịch thôi?
Ông Hiển còn băn khoăn là thêm hộ tịch viên có thể tăng thêm 11.000 biên chế, sẽ giải quyết vấn đề thế nào và tác động đến ngân sách ra sao.
Cùng câu hỏi với hai vị trên, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét đọc dự thảo luật chỉ thấy tăng thêm thủ tục cho dân, tăng ngân sách, chi phí…
"Tôi rất thất vọng về luật này mà tôi tưởng ngon lắm rồi đấy ông Lý ạ. Đêm qua ngồi đọc tôi gạch đỏ hết cả rồi đây” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói. |
Với phân tích hộ tịch với hộ khẩu vẫn là hai loại khác nhau cùng tồn tại, còn thêm cả chứng minh nhân dân, hộ tịch có thêm định danh cá nhân, hộ khẩu định danh gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng như vậy chỉ rắc rối thêm chứ không thay thế gì cả.
Sao không gom cả mấy cái này lại để một con người chỉ còn một loại giấy tờ duy nhất phải mang theo người? ông Hiện đặt câu hỏi.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị dừng trình dự án luật này để cơ quan soạn thảo về làm lại, giải trình mọi vấn đề thắc mắc.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng phàn nàn, dự án luật như vậy thì trình Thường vụ còn chưa đủ điều kiện chứ nói gì trình Quốc hội.
Dẫn số liệu hiện tại mỗi công dân có thể sở hữu đến khoảng 20 loại giấy tờ, Chủ tịch hỏi có Luật Hộ tịch thì còn mấy giấy, từ một cửa thì thành còn mấy cửa?
Ví dụ, giờ đăng ký kết hôn ở nơi cư trú được nhưng phải đến xã khai sinh xin trích lục. Khi ly hôn lại phải về xã đăng ký kết hôn báo cáo. Bắt dân những việc như thế có được không mà rồi người ta có làm không? Chủ tịch bức xúc.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lưu ý làm luật trước hết phải vì lợi ích của người dân, làm sao để chỉ có một loại giấy tờ, cùng lắm 2 giấy thôi.
Hướng về Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – cơ quan thẩm tra dự án luật – Phan Trung Lý, Chủ tịch nói: “Tôi rất thất vọng về luật này mà tôi tưởng ngon lắm rồi đấy ông Lý ạ. Đêm qua ngồi đọc tôi gạch đỏ hết cả rồi đây”.
Chưa thuyết phục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Hộ tịch lại thêm một lần lỡ hẹn trình ra Quốc hội theo dự kiến.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng bày tỏ nỗi lòng trước nhiều vấn đề của xã hội.
Sáng 11/7, khi tham gia thảo luận về Luật Đấu thầu sửa đổi, Chủ tịch Quốc Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn về chuyện lãng phí công khiến nghe đến nó ai cũng phải xót ruột. Ông thấy đau lòng vì có công trình xây dựng, giao thông nào mà không đội giá lên hàng nghìn tỷ đồng, nhưng rồi lại đâu vào đấy.
Hay tại phiên họp ngày 15/4 của UB Thường vụ Quốc hội, khi nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải lớn tiếng chấn chỉnh các cơ quan nhà nước thuộc cấp bộ.
"Dự án phải đảm bảo chất lượng, chuẩn bị kỹ rồi mới đưa vào, tránh tình trạng đưa vào rồi lại đưa ra, đưa ra rồi lại đưa vào. Như vừa rồi ban hành nghị định về chứng minh nhân dân có tên cha mẹ, dân người ta bức xúc, bây giờ bảo phải dừng lại, Chính phủ lại đề xuất cái Luật căn cước.
Căn cước là cái gì, chắc là chứng minh nhân dân chứ còn gì nữa, sao lắm tên gọi thế, lại còn thêm Luật hộ tịch nữa, bao nhiêu loại giấy tờ, tôi là dân tôi cũng sợ mấy ông lắm rồi... Các đồng chí cứ vẽ ra lắm loại giấy tờ như vậy là tôi không chịu, có ra Quốc hội tôi cũng nói như vậy” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn.
Thụy Miên (Báo Đất Việt)