Tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 14/5, bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, đã nghe thông tin một số người dân xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) ký đơn xin rút danh hiệu di tích quốc gia, do quy chế quản lý khắt khe khiến người dân sửa nhà, làm nhà khó, sinh hoạt bị ảnh hưởng mà lợi ích chưa thấy đâu.
"Không phải tất cả các hộ phản ứng song đây là việc cho thấy không đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển, nhất là với di tích gắn với đời sống hàng ngày. Tôi rất thông cảm với bà con, chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi cho bà con được sống", ông Nghị nói.
Bí thư thành ủy cho biết, tuần tới ông sẽ đến Đường Lâm để nghe đầy đủ tâm tư của người dân, như chính quyền yêu cầu xây nhà không quá 2 tầng, không được làm mái bằng mà phải làm mái dốc, làm mái ngói... song dân không đủ tiền thì nhà nước phải hỗ trợ hoặc cấp đất để dân ra chỗ khác, nhà để lại phục vụ bảo tồn.
Theo ông Nghị, thành phố đang quản lý hơn 5.000 di tích, trong đó có 2.500 di tích đã được xếp hạng. Nhiều việc đã làm được như tu bổ Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu, các đền đình... nhưng vẫn còn những việc sơ suất, sai phạm như chùa Trăm Gian.
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị. |
Chiều cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã bàn thảo nhiều vấn đề về quản lý và bảo tồn làng cổ Đường Lâm. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc nhanh chóng thẩm định quy hoạch xã Đường Lâm để trình UBND phê duyệt. Sở Kế hoạch Đầu tư phải thẩm định dự án giãn dân làng cổ và Sở Xây dựng ra quy định cho phép thị xã Sơn Tây thỏa thuận xây dựng để tạo điều kiện cho người dân sửa chữa, xây dựng nhà ở. Đặc biệt, thành phố sẽ dành một nguồn kinh phí bảo tồn, tu bổ một số ngôi nhà có giá trị lớn.
Theo báo cáo của chủ tịch thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng, 5 năm qua, xã Đường Lâm có 179 hộ xây dựng, cải tạo nhà ở, thanh tra xây dựng đã lập biên bản vi phạm và đình chỉ xây dựng 94 hộ, cưỡng chế dỡ bỏ tầng hai nhà bà Hà Thị Khanh vào tháng 10/2010.
Đầu năm 2013, do sự buông lỏng quản lý ở các cấp nên nhiều hộ dân lại tự ý xây dựng khi chưa có thoả thuận, xây sai quy định. UBND thị xã đã chỉ đạo xã Đường Lâm kiểm điểm, đồng thời có kế hoạch cưỡng chế các hộ dân xây dựng sai quy định. Việc này đã làm nảy sinh bức xúc, phản ứng của một số hộ dân trong diện bị xử lý, dẫn tới viết đơn đề nghị trả lại danh hiệu di tích cấp quốc gia.
Để đảm bảo đời sống người dân cũng như công tác bảo tồn, lãnh đạo thị xã Sơn Tây kiến nghị thành phố lập dự án giãn dân bên ngoài khu bảo tồn và hỗ trợ người dân ở khu vực 1 là 70% và người dân ở khu vực 2 là 50% tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, thành phố cũng hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ các nhà cổ niên đại trên 100 năm tuổi, hỗ trợ 50% kinh phí tu bổ với các căn nhà truyền thống. Nhà hiện đại chuyển đổi thành nhà truyền thống cũng cần được hỗ trợ 100% kinh phí...
Hình ảnh nhà 2 tầng nhan nhản ở làng cổ Đường Lâm:
Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được công nhận là di tích quốc gia từ năm 2005. Nhưng thực chất chỉ có thôn Mông Phụ (một trong 5 thôn của xã Đường Lâm) là làng cổ bởi đây là nơi duy nhất còn giữ được các nét đặc trưng cơ bản của ngôi làng Việt.
Đời sống của người dân ngày một tăng lên trong khi cơ sở vật chất xuống cấp. Nhiều gia đình 7-10 người vẫn phải chen chúc trong những ngôi nhà ngói ba gian vỏn vẹn 30-50 m2 mà không được mở rộng, tu sửa, xây mới. Sự bất hợp lý này đã khiến hàng chục hộ dân Đường Lâm làm đơn xin trả lại danh hiệu "Làng cổ".
Năm 2010, gia đình bà Hà Thị Khanh (thôn Mông Phụ) xây ngôi nhà hai tầng trên diện tích đất 70 m2 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của 7 người. Tuy nhiên, ngay năm đó, nhà bà đã bị chính quyền cưỡng chế phá bỏ tầng 2 vì "quy định nhà tại làng cổ chỉ được phép cao tối đa 6 mét".
Do không đủ tiền làm mái ngói nên chị Lã Thị Tình đã phải cải tạo nhà của mình bằng mái tôn. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng yêu cầu gia đình phải lợp mái ngói để đảm bảo tính chất của làng cổ. Kết quả là một mái ngói đè lên mái tôn rất kỳ cục.
Nhà chật chội nên con trai chị Tình đã học lớp 6 vẫn phải ngủ với mẹ.
Mới đây, vợ chồng chị Oanh anh Long làm mái tôn chống nóng cũng bị cưỡng chế. Sau khi cắt ngắn chân cột, hạ thấp độ cao mái tôn, gia đình chị vẫn bị cắt điện nước 2,5 tháng.
Nằm ở trung tâm thôn Mông Phụ, căn nhà xây mới của gia đình chị Phan Thị Lê đang hoàn thiện thì nhận được lệnh phá bỏ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trong làng đồng loạt ký đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia.
Bởi gần ngôi nhà đang xây của chị Lê là ngôi nhà cao tầng khác đã xây vài năm mà không bị cưỡng chế, phá bỏ tầng hai.
Nhà bà Khanh bị phá bỏ tầng 2 trong khi cách đó chừng 50 mét, ngôi nhà hai tầng của ông Hà Văn Mạnh vẫn nằm chình ình mà không hề bị xử lý.
Ông Kiều Tuấn Anh sống trong căn nhà ba gian xây từ năm 1976, tức không phải nhà cổ, nhưng 8 năm nay ông không được phép xây dựng lại dù đang bị mối mọt, xuống cấp. "Ở trong làng cổ nhưng không phải nhà nào cũng cổ. Những gia đình có nhà cổ thuộc diện bảo tồn rất ít, vậy mà tôi và họ vẫn phải ở trong điều kiện chật hẹp, tối tăm thế này", ông Tuấn Anh bức xúc.
Trong khi đó, cách nhà ông Tuấn Anh chỉ 30 mét là dãy nhà hai tầng mới được xây. Điều này càng gây bức xúc cho ông và nhiều người dân trong thôn.
Cũng vì không được xây mới nên 90 cháu bé phải học chung trong một lớp học chưa đầy 60 m2 ở trường mầm non xã Đường Lâm nằm ngay đầu thôn Mông Phụ.
P.Sang (t/h)