Thời đó, với lũ học trò chúng tôi nhiều người nghĩ về nghề báo là “nghề nguy hiểm”, là “cơ quan quyền lực thứ tư” v.v… nghe vừa bí ẩn, hấp dẫn, và “oai” nên thu hút sự tìm hiểu, khám phá và là ước mơ của bao người.
Nói thật thời ấy, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm báo, ham mê nghề báo lại càng không. Tôi yêu thích nghề kinh doanh, và sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bắt tay công việc kinh doanh quán cà phê.
Thấm thoát gần 9 năm “tôi thử đi làm báo” trôi qua, đến giờ gắn bó “máu thịt” với tôi không phải nghề kinh doanh mà lại là nghề báo. Chẳng biết tự bao giờ công việc làm báo cứ cuốn tôi đi, dần trở thành “máu thịt” khiến tôi không thể dứt ra được, hay nói một cách văn hoa là tôi đang “say” nghề.
Nhớ lại ngày ấy, khi đang loay hoay mãi chưa tìm một địa điểm mới để mở tiệm cà phê sau khi tiệm cũ của tôi gặp chút trục trặc thì một người bạn của tôi gợi ý “hay là em chuyển nghề sang làm truyền thông cho báo Đời sống & Pháp luật đi, đang tuyển nhân sự đấy, em nhanh nhẹn, hoạt bát nên anh nghĩ thích hợp với nghề”.
Lúc ấy, tôi cũng chỉ nghĩ hay là mình cứ thử một thời gian, không phù hợp với công việc, không kiếm ra tiền được thì cũng kiếm được kiến thức. Thú thực, hồi ấy tôi chỉ chọn nghề một cách mơ hồ, hời hợt bởi tôi chưa từng được đào tạo qua trường lớp về nghề báo và cũng không yêu nghề.
Chập chững bước vào nghề báo, tôi cũng như nhiều người làm báo khác không tránh khỏi những khó khăn về nghiệp vụ, cách xử lý thông tin và kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó, kiến thức về các thể loại báo chí tôi cũng chưa từng được tiếp xúc.
Những ngày đầu theo chân các bạn đi tác nghiệp thật khó khăn. Đúng là mỗi nghề nghiệp có một áp lực riêng. Công việc làm báo cũng vậy. Làm việc trong một tập thể mọi người đều rất cố gắng và say mê công việc còn mình làm hời hợt khiến tôi càng cảm thấy mất tự tin và chán nản. Nhưng nhìn những đồng nghiệp của mình, nhiều lúc cũng bị căng thẳng vì công việc. Phải căng sức, căng đầu quần quật mỗi ngày cho số báo hôm sau. Trong khi công việc của mình đỡ áp lực hơn nhưng sao mình lại nản vì áp lực? Tôi lại tự nghĩ về trách nhiệm phải hoàn thành mỗi ngày, phải chăng mình chưa yêu nghề, chưa làm hết khả năng, chưa có nhiệt huyết nên chưa đạt được thành quả như mong muốn.
Khoảng thời gian đầu làm quen với nghề báo, cũng là thời gian tôi mới sinh con chưa được 2 năm. Chuyện gia đình, chuyện cơ quan cứ đan xen phức tạp trong khi tôi chưa điều tiết hợp lý được. Nghề báo, với nam giới đã vất vả, với phụ nữ chúng tôi lại càng lắm gian truân. Bởi bên cạnh vai trò "nhà báo", chúng tôi còn phải làm mẹ, làm vợ,... với những khó khăn ấy lại khiến tinh thần tôi đi xuống dù cố nhưng chưa yêu nghề.
Sau khi chuyển từ làm truyền thông sang bạn đọc, tôi đã thay đổi suy nghĩ, lấy chính công việc để vượt qua áp lực của công việc. Nói nghe có vẻ lạ, nhưng đúng là sự thật. Khi trong lòng có nhiệt huyết, làm việc say sưa, không ngại những chuyến đi công tác tỉnh xa, không ngừng học hỏi từ người lãnh đạo dẫn đường, từ bạn bè, từ sách vở đến từ chính những thất bại của bản thân nên dường như tôi quên đi những áp lực, quên đi ý nghĩ làm công việc này tạm thời mà say mê dần với công việc.
Tuy nhiên, bước chân vào một môi trường làm báo chuyên nghiệp, nhiều lúc để xử lý tốt hết công việc thực tế hàng ngày thực sự là điều không dễ. Có những lúc tôi bị căng thẳng, thậm chí bị suy nhược. Nhưng nhờ môi trường làm việc chuyên nghiệp đó mà tôi và những lớp phóng viên đã từng, đang gắn bó với cơ quan có nhiều kinh nghiệm chuyên môn và trải nghiệm cuộc sống để tự tin, vững vàng hơn và có những bước bật phá trong suy nghĩ của chính bản thân và sự nghiệp.
Nhìn lại chặng đường đã qua, tuy gắn bó với nghề báo chưa phải là một thời gian dài, nhưng những kỷ niệm buồn vui trong nghề báo in sâu trong tôi khó mà kể hết. Có những khi gặp khó khăn khi tác nghiệp, có những lúc buồn vì bài không được lên vì nhiều lý do, có những khi cơ chế thay đổi loay hoay tìm cách thích nghi, cũng có những khi bất đồng quan điểm với đồng nghiệp... nhiều lần bật khóc và nản chí, nhưng có qua những khó khăn, thất bại ấy tôi mới nhận thấy được mình có thêm được nhiều kinh nghiệm và ý chí hơn không chỉ để cho bản thân tôi mà để chia sẻ, hướng dẫn với những đồng nghiệp thế hệ sau.
Đằng sau sự thành công một bài báo của tôi nói riêng và các đồng nghiệp nói chung là sự đóng góp công sức của cả một tập thể, đó là ban biên tập, biên tập viên, thư ký tòa soạn… Sự hỗ trợ, giúp đỡ, góp ý của ban biên tập giúp bài báo của chúng tôi trở nên hoàn thiện, chất lượng và sinh động hơn. Đặc biệt, sự đoàn kết, đồng lòng, đồng sức của tập thể giúp chúng tôi có thêm động lực để phấn đấu, cống hiến, thêm yêu thương, gắn bó với nghề.
Nhờ cơ duyên đến với nghề báo, tôi nghiệm ra chỉ khi thay đổi thái độ của bản thân, ta mới có thể thay đổi được chỗ đứng của mình trong xã hội. Chỉ khi thay đổi thái độ làm việc của bản thân, có Nhiệt Huyết và làm việc bằng cái Tâm ta mới có được thành quả “ngọt ngào” trong nghề nghiệp.
Từ một người không yêu nghề báo, chỉ “thử đi làm báo”, giờ đây, với tôi cái “máu” nghề “ăn” sâu lắm, công việc phóng viên gắn bó như một thói quen khó từ bỏ, công việc giờ đến như một lẽ tự nhiên không gượng ép và tôi cũng băng theo công việc một cách tự nhiên như thế, càng ngày tôi càng cảm thấy nghề báo và tập thể cơ quan Đời sống & Pháp luật như “máu thịt” của chính mình.
Đào Bích Hà