Sáng 4/12, Ban Kinh tế trung ương và Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp tổ chức hội thảo "Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp".
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng.
Chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi tại doanh nghiệp Nhà nước
Đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt tại DNNN
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại diện các Bộ, ban, ngành đã thẳng thắn thừa nhận Một bộ phận không nhỏ, cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu cầu lợi ích riêng và gây thất thoát lướn, thua lỗ lớn cho một số DNNN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.
Cho rằng một số đánh giá về đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở DNNN còn chung chung, thiếu định lượng thậm chí “quá nặng nề”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đặt vấn đề phải nhìn nhận khách quan về vai trò, đóng góp cũng như sự thay đổi tích cực của các DNNN cũng như lãnh đạo của các DNNN đối với sự phát triển của nền kinh tế trong những năm vừa qua.
Bên cạnh đó, khi đánh giá về những vi phạm, sai phạm liên quan đến doanh nghiệp nhà nước ngoài việc chỉ ra sai phạm cho thấy mỗi người lãnh đạo, quản lý DNNN thì phải đề cập đến sự liên quan các cơ quan khác có liên quan.
"Mỗi cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm đều qua nhiều khâu. Vì vậy, trong trường hợp để xảy ra vi phạm, sai phạm, thì đó là cả quá trình với nhiều bên liên quan, mà trước hết những cơ quan quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm đầu tiên".
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, lâu nay khi xem xét các sai phạm, vụ án vẫn chưa tách bạch giữa pháp nhân và cá nhân, đặc biệt là trong tài sản. Cụ thể, đối với tài sản cá nhân có thể sử dụng vật chứng nhưng tài sản pháp nhân không thể đưa ra làm vật chứng. Tuy nhiên, thực tế vừa qua, việc nhập nhằng này đã dẫn đến tình trạng có những dự án hàng chục ngàn tỉ được sử dụng làm vật chứng để đấy, dầm mưa dãi nắng nhiều năm, gây tốn kém, lãng phí.
Đánh giá về nguyên nhân của sự "chậm tiến", kém đổi mới, sáng tạo của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ: “Tôi gặp nhiều anh em, chia sẻ, cũng mong muốn đóng góp, hành động nhưng cảm nhận sự rủi ro, nên sự lựa chọn tốt nhất là không hành động, đảm bảo an toàn cho cá nhân nhiều nhất, một việc xin ý kiến nhiều người. Chính thứ này gây mất mát, chậm trễ, thiếu năng động của hệ thống DNNN hiện nay.”
Kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong DNNN, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đánh giá cán bộ trong DNNN không thể tách rời vai trò, sứ mệnh, mục tiêu nhiệm vụ và khuôn khổ quản trị của hệ thống DNNN nói chung và từng DNNN nói riêng, đặc biệt quản trị theo thông lệ quốc tế gồm HĐQT, thành viên HĐQT, giám đốc điều hành và các bộ phận cấu thành.
Ông Cung cũng cho rằng rất cần nghiên cứu học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt. Theo đó, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngoài việc chú trọng tổng kết thực tiễn từ các DNNN còn phải đánh giá đúng mức việc tổng kết bài học kinh nghiệm từ quá trình vận hành thành công của nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước.
“Tôi tin rằng ông Tổng Giám đốc Vinfast không có trong quy hoạch từ trước của ông Phạm Nhật Vượng. Họ không có quy hoạch cán bộ nhưng họ có cán bộ giỏi chuyên môn và đạt được mục tiêu tốt hơn nhiều doanh nghiệp trong khu vực nhà nước. Vì vậy, đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt DNNN”, ông Cung đề xuất.
Ông Cung cho rằng, với cách quy hoạch cán bộ tại DNNN như hiện nay sẽ không chọn được người tài, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro người giỏi mà chỉ chọn được những người biết tuân thủ.
“Thay vì quy hoạch hãy làm chương trình kế hoạch tìm kiếm tài năng, tìm kiếm người tài thì mới tốt hơn nhiều, đừng bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc cho chúng ta”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị xem xét bãi bỏ bổ nhiệm cán bộ DNNN theo cơ chế hành chính xin cho mà trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC thực hiện hậu kiểm kèm theo.
“Người bổ nhiệm theo tiêu chuẩn, tiêu chí không nghiễm nhiên ngồi ở đó trong nhiệm kỳ tiếp theo, nếu không đạt được mục tiêu thì miễn nhiệm”, ông Cung nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần thực sự có thay đổi mang tính bước ngoặt, dứt khoát chuyển đổi sang cơ chế thị trường và công tác cán bộ, quản trị DNNN phải thực hiện đúng nguyên tắc theo thông lệ quốc tế.
“Với hơn 100 tỉ tài sản của DNNN hiện nay, nâng cao hiệu quả thì chắc chắn tăng thêm 2- 3 điểm % tăng trưởng về kinh tế và làm DNNN cũng không phải bị phê phán, chê trách, DNNN có hình ảnh đẹp trên thương trường”, ông Cung đúc kết.
Nhận thức chưa đầy đủ về công tác cán bộ
Phát biểu tại sự kiện, ông Chu Đình Động, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho rằng trong thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong Khối chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, điều hành. Tầm nhìn và khả năng hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của một số cán bộ còn hạn chế, chậm thích ứng với hội nhập quốc tế.
“Một số người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý theo quy định”, ông Động thẳng thắn nhìn nhận.
Ngoài ra, cơ cấu đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở một số doanh nghiệp còn mất cân đối, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đạt thấp. Việc chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo chưa được chuẩn bị kịp thời, đồng bộ.
Đánh giá về nguyên nhân, ông Động nhìn nhận những hạn chế, tồn tại này chủ yếu do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo doanh nghiệp chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Việc cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng về công tác cán bộ vào doanh nghiệp còn chậm, thiếu đồng bộ. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong Khối thiếu tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tự giác học tập lý luận, kỹ năng quản lý tiên tiến.
Thêm vào đó, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra về công tác cán bộ trong doanh nghiệp chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc quyền quản lý của các bộ, ngành chủ quản khác nhau, nên công tác cán bộ doanh nghiệp nhà nước còn khép kín trong từng ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp. Chưa có sự linh hoạt, liên thông với các doanh nghiệp khác trong ngành hoặc doanh nghiệp ngoài ngành.
Một số nội dung thảo luận về tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý DNNN tại Hội thảo
Một là, về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước: Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ tương đã được quy định đầy đủ trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế; tuy nhiên, Đảng chưa ban hành quy định riêng đối với công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước.
Hai là, về công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ: Chưa có quy định về tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hay thuê nhân sự chủ chốt; mặc định các vị trí chủ chốt phải là Đảng viên, từ đó hạn chế nguồn cán bộ, thiếu linh hoạt. Còn một số vướng mắc trong quy định về quy hoạch cán bộ, đặc biệt là quy định về quy hoạch tương đương đối với cán bộ đến từ các cơ quan, ban ngành khác nhau. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ còn chưa phù hợp khi bố trí công chức quản lý nhà nước chuyển sang quản lý DNNN …
Ba là, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số tồn tại; tài liệu, khung chương trình chưa được quan tâm để chuẩn hóa.
Bốn là, công tác đánh giá cán bộ còn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể. Các quy định hiện hành chưa thực sự khơi nguồn cho đổi mới sáng tạo và dám nghĩ, dám làm vì còn có những ràng buộc trách nhiệm đối với từng việc cụ thể mặc dù vẫn đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.