Ngồi ở quán nước ven đường gần khu vực chợ Long Biên (Hà Nội), chúng tôi thấy mấy người đang nói chuyện với nhau về việc "hô biến" tôm nhỏ thành tôm to. Giữa tiếng ồn ào, huyên náo của người, xe, người đàn ông mặc chiếc áo bảo hộ lao động cũ nát, nhàu nhĩ buông lời: "Hôm nay nhà ông hàng hoá bán chạy không? Dạo này hàng hoá ế ẩm quá, lương của mình cũng giảm hẳn. Kể cũng lạ, hàng hoá ế ẩm, thế nhưng hàng đắt tiền vẫn bán chạy lắm".
Chẳng kịp đợi "đồng nghiệp" của mình nói hết câu, người đàn ông ngồi kế bên tiếp lời: "Chỉ có người lao động như mình mới không có tiền chứ người giàu họ thiếu gì tiền. Nhiều tiền phải "ăn sang", ăn loại cao cấp chứ. Càng cao cấp càng nhiều bệnh"… Cứ thế, câu chuyện của họ xoay quanh những mánh khoé "móc túi" người tiêu dùng một cách trắng trợn của những ông chủ, bà chủ buôn bán lớn.
Trong câu chuyện ấy, chúng tôi được "mở mang kiến thức" về công nghệ "hô biến" tôm sú, tôm he to hơn so với trọng lượng thật từ 20 - 40% bằng thạch cao, thạch rau. Sau khi nhập tôm từ các đầm, ao ở các tỉnh về các chợ đầu mối: Long Biên, Đền Lừ…, một số chủ buôn sẽ phân loại tôm theo số lượng: Dưới 20 con/kg, dưới 30 con/kg… bởi càng ít con/kg thì càng đắt.
Phân loại xong sẽ đến công đoạn bơm thạch cao, thạch rau vào tôm. Theo đó, các kho chứa hàng luôn trong tình trạng "cửa đóng, then cài", có người bảo vệ và chỉ cho những người "có nhiệm vụ" mới được phép vào khu "cấm địa" chuyên bơm thạch cao, thạch rau vào tôm. Trong không gian mờ ảo của ánh đèn, bên cạnh mỗi nhân viên là một chiếc chậu lớn chứa đầy thạch cao, thạch rau cùng vài chiếc kim tiêm loại to số 20 để làm "nhiệm vụ".
Sau khi hút đầy ống xi lanh dung dịch thạch cao, người nhân viên đưa mũi kim chọc vào lớp vỏ của con tôm sú, tôm he bằng ngón áp út của người lớn, chưa đầy nửa phút sau, con tôm ấy trở thành con tôm to gần gấp đôi. Không chỉ tôm bé mới được bơm thạch cao, thạch rau mà hầu hết loại tôm sú, tôm he có giá trị kinh tế cao này đều được bơm. Bởi sau mỗi con tôm được "hô biến" này, người chủ nghiễm nhiên đút túi vài chục đến vài trăm nghìn đồng/kg, chưa kể mức lãi chênh lệch giá bán. Thế nên, việc bơm thạch cao, thạch rau không chỉ dừng lại ở loại tôm sống mà cả tôm chết cũng được "hô biến" theo kiểu này.
Tôm sú, tôm he được bơm thạch cao thường khó phát hiện bằng mắt thường, kể cả khi chế biến, phải tinh mắt và để ý mới phát hiện ra. Bên cạnh đó, các loại tôm lớn thường được sử dụng trong những bữa tiệc lớn, liên hoan gia đình… nên cơ quan chức năng càng khó ngăn chặn, xử lý. Trong khi đó, chưa ai kiểm chứng sự độc hại của những con tôm tiêm thạch cao này với sức khỏe của người tiêu dùng.
Vân Thanh