Sự việc xảy ra tại một nhà dân ở Krabi, miền nam Thái Lan.
Cư dân Nikom Dangnham, 47 tuổi, đang cùng gia đình ở phòng khách thì nhìn thấy con rắn hổ mang khổng lồ bò qua những viên gạch vào trong nhà. Quá sợ hãi, cả gia đình chạy ra khỏi nhà và liên lạc với đội cứu hộ đến bắt con rắn khổng lồ.
Lực lượng cứu hộ tìm thấy con rắn hổ mang chúa dài 4 mét dưới trục ô tô dự phòng được cất ở góc nhà. Các tình nguyện viên cứu hộ chỉ mất 5 phút để bắt con rắn nặng 20kg và cho nó vào bao tải. Chủ nhà thở phào nhẹ nhõm cho biết đây là con rắn hổ mang chúa lớn nhất mà cô từng thấy.
Cô nói: "Tôi đã từng nhìn thấy một số con rắn hổ mang chúa trước đây nhưng không lớn như thế này. Có thể nó đến từ rừng rậm để trốn thời tiết nóng bức và tìm nơi mát hơn có nhiều thức ăn".
Đội cứu hộ đã mang con rắn theo và thả nó về tự nhiên, cách xa ngôi làng.
Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) là loài rắn độc dài nhất thế giới. Con trưởng thành thường dài khoảng 4 m, nhưng một số có thể dài tới hơn 5,5 m. Hổ mang chúa phân bố ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Hổ mang chúa thường săn mồi trên mặt đất, nhưng chúng cũng có thể leo lên cây và bơi dưới nước.
Loài vật này thường đi săn vào ban ngày, nhắm đến những con mồi như rắn, thằn lằn, trứng và một số loài thú nhỏ.
Rắn hổ mang chúa có khả năng giáng một vết cắn tử vong và nạn nhân bị tiêm vào thân một lượng lớn nọc độc với liều khoảng 400 đến 500 mg hoặc thậm chí lên đến 7 ml. Loài rắn này có sản lượng nọc độc cao, với trung bình khoảng 420 mg trọng lượng khô ở mỗi con rắn.
Nọc độc tấn công hệ thần kinh trung ương của nạn nhân, dẫn đến đau nhức, mờ mắt, chóng mặt, buồn ngủ và cuối cùng tê liệt. Nếu tình trạng nghiêm trọng, chất độc tiến đến hệ tuần hoàn, nạn nhân rơi vào trạng thái hôn mê. Tử vong nhanh chóng do bị suy hô hấp. Vết cắn của rắn hổ mang chúa có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng chỉ sau 30 phút.
Hổ mang chúa thường tránh người nhưng sẽ trở nên hung dữ khi bị đe dọa. Số lượng hổ mang chúa đang giảm do môi trường sống thu hẹp. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp chúng vào nhóm động vật sắp nguy cấp trong Sách Đỏ từ năm 2010.
Hải Vân (T/h)