Theo Infonet, trên thị trường hiện nay xuất hiện loại tôm hùm đất sống, loại tôm này đang gây sốt vì lạ. Tôm hùm đất còn có tên gọi khác là tôm rồng hay tôm hùm đỏ. Tôm hùm đất có kích thước to hơn ngón tay, sau khi chế biến có màu đỏ rất bắt mắt. Đặc biệt tôm có 2 càng trước to, giống như càng cua. Theo khảo sát, giá bán của tôm hùm đất không hề rẻ, dao động từ 350.000- 400.000 đồng/kg. Đặc biệt, có thời điểm, giá bán còn lên tới 600.000 đồng/kg.
Chị Nga, một đầu mối cung cấp tôm hùm đất cho biết, tôm này ăn ngọt ngọt, thịt chắc, dai dai giống tôm sú, mấy ngày nay chị nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, hầu hết mọi người đều đặt mua 1kg về ăn thử.
Theo người bán, loại tôm này hấp lá chanh hoặc xốt cực ngon. Mỗi kg có khoảng từ 35-40 con, giá bán 390.000 đồng/kg.
Cũng rao bán tôm hùm đất trên mạng, chị Quyên (Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán được hơn 50kg, với giá 350.000 đồng/kg. Khách mua tôm hùm đất còn được tặng kèm gia vị để chế biến món xốt nên hàng của chị rất đắt khách. Tuy nhiên, do không phải sẵn hàng, tôm phải đặt từ trong Nha Trang gửi ra nên khách muốn mua thường phải đặt hàng trước.
Loại tôm này đang được rao bán tràn lan trên các chợ online, tuy nhiên, theo một số chuyên gia nông nghiệp, loại tôm này là động vật ngoại lai có nguy cơ gây hại mùa màng hơn cả ốc bươu vàng.
Trước đó, vào đầu năm 2017, dư luận đang xôn xao với việc sinh vật ngoại lai được nuôi lén ở Đồng Tháp. Loại sinh vật này được cho là tôm hùm đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất, có tên khoa học Procambarus clarkii.
Theo quy định, loại tôm này muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải xin giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo Zing, khi đó ông Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, đại diện đơn vị duy nhất được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu, cho hay nguyên nhân loại này bị “cấm” tại Việt Nam là chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt.
“Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo không phát triển loại tôm này ở nước ta từ nhiều năm nay”, ông cho biết.
Cũng tại thời điểm đó, trả lời trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thừa nhận đó là động vật ngoại lai nguy hại không được phép nuôi.
“Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay”, ông Công khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cũng từng cho rằng loài tôm này vừa phá hại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật kể cả người.
Quốc Tiệp (tổng hợp)