Tình hình kinh doanh kém sáng
Ông trùm ngành tôn mạ CTCP Tôn Đông Á (OTC: TonDongA) mới đây đã công bố báo cáo tài chính năm 2022 kiểm toán với nhiều chỉ tiêu không mấy khả quan. Doanh thu của công ty sụt giảm 14% xuống mức 21.680 tỷ đồng và báo lỗ hơn 276 tỷ đồng dù cùng kỳ báo lãi lên tới 1.209,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp ghi nhận chỉ hơn 407 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh lên tới mức 503 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay 248 tỷ đồng bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các khoản mục chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đều ghi nhận tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 1.245 tỷ đồng và 140 tỷ đồng.
Doanh thu bán hàng và tài chính sụt giảm, hàng loạt chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 300 tỷ đồng. Sau khi ghi nhận thêm các khoản thu nhập khác, công ty tôn ngậm ngùi báo lỗ gần 293 tỷ đồng, bước lùi so với năm tài chính 2021.
Với kết quả kinh doanh kém sáng, Tôn Đông Á chia sẻ do năm 2022 giá nguyên vật liệu chính thép biến động giảm liên tục, tình hình biến động kinh tế thế giới đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng đáng kể; đồng thời biến động tỉ giá và lãi suất ngân hàng tăng cao so với năm trước khiến công ty có kết quả lỗ.
Lại lỡ hẹn HoSE sau nhiều năm chờ đợi
Trước đó, Tôn Đông Á đã lên kế hoạch IPO và niêm yết cổ phiếu từ giữa năm 2021 vào thời điểm cổ phiếu thép đạt đỉnh và kết quả kinh doanh khả quan.
Theo đó, HoSE công bố đã nhận được hồ sơ niêm yết 114,7 triệu cổ phiếu của Tôn Đông Á, ngày nhận hồ sơ đăng ký niêm yết là 22/4 và đơn vị tư vấn là CTCP Chứng khoán SSI.
Trước khi đăng ký niêm yết, Tôn Đông Á đã thực hiện đợt chào bán lần đầu 15,35 triệu cổ ra công chúng (IPO). Trong đó có 12,37 triệu cổ phiếu phát hành thêm và 2,98 triệu cổ phiếu do cổ đông chào bán ra với giá tối thiểu 40.000 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc đợt chào bán, có 16,46 triệu cổ phiếu đăng ký mua, vượt 7,2% so với lượng cổ phiếu chào bán. Như vậy, công ty đã chào bán toàn bộ 15,35 triệu cổ phiếu, đạt tỉ lệ 100% tổng lượng chào bán với giá 40.000 đồng/cổ phiếu, ngày kết thúc chào bán là 10/3.
Trong đó, 77,2% lượng mua là nhà đầu tư trong nước, tương đương 11,85 triệu cổ phiếu; và 22,8% lượng mua là nhà đầu tư nước ngoài, tương đương 3,5 triệu cổ phiếu.
Mặc dù HoSE thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu từ tháng 4/2022 nhưng ban lãnh đạo Tôn Đông Á trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tháng 6/2022 cho biết thời gian chính thức giao dịch cổ phiếu có thể vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa thấy doanh nghiệp “lên sàn”.
Sau đợt IPO thành công, Tôn Đông Á đã trở thành công ty đại chúng và đủ điều kiện để đăng ký niêm yết. Vốn điều lệ của công ty tăng từ 1.023 tỷ đồng lên 1.147 tỷ đồng.
Vậy nhưng theo điều 15 của của Luật Chứng khoán 2019, điều kiện để một công ty lên sàn chứng khoán bắt buộc hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Với kết quả thua lỗ năm 2022 của Tôn Đông Á, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết kế hoạch lên sàn của doanh nghiệp ngành tôn sẽ phải chậm lại thêm ít nhất là hai năm nữa vì chưa đáp ứng đủ quy định đề ra.
Trong trường hợp tích cực nhất, ông Minh cho rằng Tôn Đông Á sẽ được lên sàn vào năm 2025 nếu công ty ghi nhận có lãi trở lại vào năm 2023 và năm 2024.
Chia sẻ về vấn đề doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết vào tháng 4/2022 nhưng đến năm 2023 vẫn chưa thể niêm yết, ông Minh nhận định những quy định pháp lý thời gian qua có nhiều thay đổi theo hướng yêu cầu kỹ càng hơn trong việc xem xét hồ sơ niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp nên cần mất thời gian xử lý lâu hơn.
“Mặt khác, năm 2022 là một năm biến động mạnh đối với toàn thị trường chứng khoán bởi những sự việc tiêu cực xảy ra.
Bên cạnh đó, bộ máy nhân sự của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng có nhiều thay đổi nên có thể đây là lý do gây kéo dài thời gian xét duyệt hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu lên sàn của các doanh nghiệp trong năm. Từ đó khiến Tôn Đông Á vẫn chưa thể được niêm yết cổ phiếu theo kế hoạch đề ra”, ông Minh nói.
Ngoài ra, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng Tôn Đông Á có thể tính đến khả năng niêm yết trên sàn UpCOM hoặc HNX để các điều kiện niêm yết được nới lỏng hơn trong thời gian đợi đến khi đủ điều kiện niêm yết trên HoSE sẽ tiến hành các thủ tục chuyển sàn sau.