Đá: Này, trưa nay cho tôi đăng ký suất cơm. Vợ con đi trẩy hội hết cả rồi…
Đen: Chuyện nhỏ. Nhưng sao ông không đi cùng mọi người, cứ ru rú ở nhà mãi thế.
Đá: Cũng muốn đi lắm, nhưng phải đợi vãn người. Tính tôi hay tăm tia, thấy cảnh nhộm nhoạm lại khó ở.
Đen: Việc tổ chức lễ hội ngày càng chuyên nghiệp. Đến lễ chém lợn quy mô làng còn phải quây bạt kín đáo tránh ồn ào quanh "ông Ỉn" .
Đá: Nhưng cái quan trọng nhất, là ý thức của người đi lễ, xem hội thì... “nguyễn y vân”. Rầu!
Đen: Công bằng mà nói, cảnh chen lấn, tranh cướp hay “khoe da thịt” ở chốn linh thiêng đã giảm bớt...
Đá: Còn trò a dua hối lộ thánh thần, đến cửa chùa phô bày ham muốn thì chưa biết khi nào mới thoái lui.
Đen: Từ mấy năm trước, các tượng phật La Hán ở hai bên hành lang lên xuống tại chùa Bái Đính đã bị sờ mòn, nổi lên màu đá đen bóng.
Đá: Mùa lễ hội này, người hành hương vẫn tranh thủ nhét tiền, tiện thể dùng tay xoa để cầu may.
Đen: Lười biếng, đi lễ nhưng tâm trí u mê - Thần thánh phương nào dám ban phước cho họ?
Đá: Tôi tưởng kẻ "khôn" mới dúi vài đồng tiền lẻ vào kẽ tay Phật rồi rủ rỉ cầu xin buôn may bán đắt, nhất bản vạn lợi chứ?!
Đen: Quá báng bổ! Để tôi chống mắt lên xem bao giờ họ thành đại gia!
Đá: Lại có những người chen chúc nhau dùng dầu gió xoa lên tượng thần hổ ở chùa Hương Tích để mong chữa lành bệnh nữa.
Đen: Chưa thấy trường hợp nào thoát cảnh ốm đau. Chỉ thấy lưng, đầu tượng dần mất hết màu sơn.
Đá: Mà này, biết đâu có thờ có thiêng, hay tôi cũng lên sờ để "gút-bai" chứng tiền đình mãn tính nhỉ?
Đen: Hừ, đấy là hành động xâm hại di tích! Kể ra phải có biển cấm..
Đá: Bao nhiêu biển báo "cấm sờ, xoa tay vào tượng" ở chùa Bái Đính cũng bỗng dưng vô hình cả đó.
Đen: Giá như việc xoa tượng chữa khỏi bệnh tham, sân, si thì tốt quá…
Đá: Thôi, ta cứ sống lương thiện, cống hiến hết mình khắc thấy viên mãn, đủ đầy. Rồi chuyện gì phải đến sẽ đến thôi.
Đ.Đ