Ngày 8/5, bác sĩ Lê Công Danh, hiện đang công tác tại khoa Nội nhi, bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị này vừa điều trị thành công cho một trường hợp bệnh nhân bị nhiễm sán xơ mít đặc biệt trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, trước đó, vào khoảng 10h ngày 5/5, ông Ngô Đức C. (46 tuổi), trú thôn 10, xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy nhập viện tại phòng 2, khoa Nội nhi, bệnh viện Y học Cổ truyền với tình trạng người mệt mỏi, lo âu và căng thẳng.
Qua thăm khám và có kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ Danh chẩn đoán xác định bệnh nhân C. đã bị nhiễm sán xơ mít. Ngay sau đó, vào sáng 6/6, bác sĩ Danh báo kíp trực và điều dưỡng bệnh phòng cho bệnh nhân được xổ sán xơ mít theo phác đồ điều trị.
Đến khoảng 11h15 cùng ngày, người nhà bệnh nhân hốt hoảng báo ông C. đã đi vệ sinh và ra sán rất nhiều. Ngay lập tức, bác sĩ Danh cùng điều dưỡng bệnh phòng đã có mặt kịp thời để phân tích mẫu sán, qua đó, phát hiện có hai cá thể sán sơ mít cùng một lúc trong cơ thể của bệnh nhân, chiều dài mỗi con là 10m.
Theo bác sĩ Danh, đây là một trong những trường hợp rất hi hữu và đặc biệt, bởi lẽ rất hiếm khi có cùng lúc hai con sán xơ mít cùng nằm trong cơ thể của một bệnh nhân và lại có chiều dài "khủng" như vậy.
Được biết, sán xơ mít có tên khoa học là Taenia, là một chi sán kí sinh, chúng được gọi là sán dây hay sán xơ mít vì hình dạng trông giống xơ của trái mít, cơ thể của chúng chia thành nhiều đốt nhỏ. Trong Y học Cổ truyền loài kí sinh này còn được gọi là bạch thốn trùng hay bách thốn trùng. Nó có chiều dài kỉ lục và có vòng đời lâu nhất trong các loại kí sinh đường ruột, có nhiều con có chiều dài hơn 15m và vòng đời sống liên tục hơn 10 năm trong ruột người.