Sau vụ việc hai máy tính chứa toàn bộ dữ liệu hồ sơ đo đạc đất đai của tỉnh Quảng Nam suốt nhiều năm qua bị kẻ gian đột nhập và lấy mất, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có buổi làm việc trực tiếp với Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để tìm hiểu thêm thông tin.
Được biết, ngoài số liệu địa chính, dữ liệu máy tính còn có hơn 20.000 sổ đỏ đã ký xác nhận lưu giữ dưới định dạng quét theo tỷ lệ 1:1. Trong số 20.000 sổ đỏ đó, hầu hết là sổ đỏ đất thổ cư của người dân thành phố Tam Kỳ và các xã thuộc 2 huyện Thăng Bình, Quế Sơn.
Sự việc đang khiến dư luận xã hội quan tâm và bày tỏ lo lắng khi nó sẽ để lại những hệ lụy xấu trong vấn đề quản lý đất đai.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi ông Đặng Văn Long – Chánh văn phòng Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết: “20.000 bản sổ đỏ bị mất chỉ là file nhập lưu trữ vào máy tính, không phải bản gốc. Tức là bản scan, còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản phôi vẫn được an toàn. Nên việc này sẽ không ra gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về giá trị pháp lý quyền sử dụng đất.”
Ông Long cũng khẳng định, dù bị mất thì dữ liệu về 20.000 sổ đỏ cũng không thể bị làm giả vì không có bản phôi. Phôi sổ đỏ là độc quyền của Tổng cục Quản lý đất đai, không một nhà máy in nào có thể sản xuất. Muốn làm giả phải có phôi và đã có phôi thì cũng không cần đến bản scan.
Nói về vấn đề lưu trữ các dữ liệu quản lý sổ đỏ hiện nay, ông Long chia sẻ: “ Sổ đỏ về bản chất không do Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam lưu trữ, chỉ là khi có dự án thi công ở tỉnh nào thì đội thi công sẽ cập nhật dữ liệu ở tỉnh đấy để làm cơ sở thi công dự án. Sau khi kết thúc thì sẽ bàn giao hết cho tỉnh.
Tất cả phôi sổ đỏ là do Tổng cục Quản lý đất đai giao cho tỉnh quản lý. Tỉnh khi muốn cấp sổ đỏ phải ký hợp đồng với Tổng công ty là cơ quan chuyên môn để tiến hành đo đạc, lập cơ sở dữ liệu. Chúng tôi chỉ làm hồ sơ dữ liệu để tỉnh có cơ sở cấp các giấy chứng nhận. Khi cấp sổ xong thì bàn giao cho ai, như thế nào là việc của tỉnh.”
Trong sự việc lần này, đơn vị chịu trách nhiệm thi công sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng nhất. Bởi phải khôi phục lại tất cả các dữ liệu bị mất, nhất là việc xuất dữ liệu địa chính bàn giao lại cho tỉnh. Muốn hoàn thành được cần ít nhất 3 tháng. Dẫn đến chậm tiến độ thi công, đồng thời gây ra tổn thất nặng nề về mặt kinh tế.
Phía Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cũng đã khẳng định, đơn vị trực tiếp thi công – đội đo đạc số 8 là đơn vị trực thuộc Tổng công ty, nên phía công ty sẽ hỗ trợ và giúp đỡ hết mình để khôi phục những dữ liệu đã bị mất.
Nguyệt Tú