Khối “di sản” khổng lồ
Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý II, phần nào cho thấy “sức khỏe” của thành viên Tập đoàn Dầu khí (PVN).
Trong nửa đầu năm, công ty mẹ PVC đạt tổng doanh thu 577 tỷ đồng, chỉ bằng 1/6 cùng kỳ (3.533 tỷ đồng). Lãi sau thuế theo đó giảm mạnh từ 179 tỷ đồng về 5,9 tỷ đồng. Đáng lo ngại hơn là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 300 tỷ đồng trong hai quý vừa qua, với hàng tồn kho tăng mạnh (2.410 tỷ đồng lên 3.058 tỷ đồng).
Theo PVC, kết quả kinh doanh của đơn vị giảm mạnh chủ yếu do việc hoàn nhập các quản dự phòng năm 2017 nhỏ hơn năm 2016. Bên cạnh đó, PVC tiếp tục trích lập phải thu khó đòi, dự phòng đầu tư tài chính theo quy định.
Ngoài ra một số công trình lớn chưa đến mốc nghiệm thu thanh toán như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Dự án Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu cũng như các công trình khác dẫn đến doanh thu và lợi nhuận đều giảm.
Sẽ còn phải đợi thêm báo cáo tài chính hợp nhất để có được bức tranh toàn cảnh của PVC. Trong Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm diễn ra vào ngày 10/7 vừa qua, PVC dự kiến giá trị SXKD 6 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 3.233 tỷ đồng, doanh thu 1.809 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 45 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 137,5 tỷ đồng.
Những kết quả trên cho thấy nỗ lực của ban lãnh đạo PVC, tuy nhiên vẫn chỉ như muối bỏ biển so với khối “di dản” để lại từ thời kỳ nắm quyền của các ông Trịnh Xuân Thanh – Vũ Đức Thuận (2007-2013).
Dưới sự điều hành của ông Trịnh Xuân Thanh (Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT), ông Vũ Đức Thuận (Tổng giám đốc), PVC tới cuối năm 2013 lỗ lũy kế 3.262 tỷ đồng. Đây cũng là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng lần lượt khởi tố và bắt tạm giam hai cựu lãnh đạo của PVC.
Bốn năm đã trôi qua, song hệ lụy từ thời kỳ lãnh đạo yếu kém trước đây vẫn rất lớn. Lỗ lũy kế tới cuối quý II/2017 công ty mẹ PVC ở mức 2.882 tỷ đồng, chiếm tới 72% vốn điều lệ, phần lớn bởi phải trích lập cho các món nợ xấu hay các khoản đầu tư kém hiệu quả ở quá khứ.
Trong kỳ, PVC tiếp tục phải “giật gấu vá vai”, khi dự phòng đầu tư tài chính dài hạn tăng từ 1.441 tỷ đồng lên 1.467 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng như dự phòng giám giá chứng khoán kinh doanh vẫn ở mức cao, lần lượt ở mức 921 tỷ đồng và 118 tỷ đồng.
Lối thoát nào?
Không có bước đột phá trong năm nay, nhiều khả năng PVC sẽ tiếp tục bị công ty kiểm toán cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục, với lỗ lũy kế ngấp nghé vốn điều lệ và tài sản ngắn hạn thấp hơn nhiều nợ ngắn hạn, đe dọa khả năng thanh khoản.
Những ngoại trừ như trên đã được hãng kiểm toán Delotte gạch nhiều đầu dòng trong các báo cáo tài chính từ năm 2013 đến nay.
Theo ban lãnh đạo PVC, khả năng hoạt động liên tục của đơn vị phụ thuộc vào kế hoạch tăng cường thu hồi công nợ, quyết toán các công trình dở dang để thu hồi tiền và tiếp tục thỏa thuận những khoản vay cần thiết với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để đảm bảo dòng tiền đáp ứng nhu cầu trả nợ đến hạn.
Bên cạnh đó, quan trọng không kém, PVC kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí (PVN) trong năm nay cũng như các năm sau. PVN hiện nắm 54,47% vốn cổ phần của PVC.
Tuy nhiên trong bối cảnh PVN đang gặp không ít vấn đề nội tại, PVC cũng đã đặt ra nhiều phương án nhằm tự mình giải quyết khó khăn trước mắt. Theo kế hoạch được công bố vào cuối tháng 3/2017, PVX sẽ thực hiện thoái vốn/ giải thể/ phá sản tại 23 đơn vị thành viên trong giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó, riêng trong năm 2017, PVC sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu, thoái vốn/ giải thể/ phá sản tối thiểu 10 đơn vị.
Minh Trang