Tổng cục Du lịch nói về đề xuất cấm xuất ngoại du khách Việt xấu xí

Tổng cục Du lịch nói về đề xuất cấm xuất ngoại du khách Việt xấu xí

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 7, 15/04/2017 17:20

Ăn cắp, chen lấn, chửi bậy… khiến hình ảnh của du khách Việt trở nên xấu xí tại nhiều quốc gia. Hiện, đề xuất cấm cửa xuất ngoại với những du khách vi phạm đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng tổng cục Du lịch cho hay, thời gian qua, Tổng cục cũng nhận được một số phản ánh của các đơn vị lữ hành về việc khách du lịch Việt khi ra nước ngoài có những hành vi xấu xí. Theo đó, những hành vi như ăn cắp, chửi bậy, bỏ trốn, xả rác bừa bãi, lấy thức ăn ồn ào, thừa thãi… chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Đa phần du khách Việt khi đi ra nước ngoài đều tôn trọng luật pháp của nước bạn, giữ được hình ảnh của một công dân và đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn không tránh được một số vụ việc “xấu xí”, bắt nguồn từ ý thức văn hóa, lối sống, thói quen, tập quán lạc hậu.

“Tôi từng nghe rất nhiều hướng dẫn viên phàn nàn về việc du khách Việt đi ra nước ngoài, khi đến những nước quy củ, văn minh thì họ cũng tự khép mình nhưng khi về đến phòng thì lại “lộ nguyên hình”. Việc này cũng không phải bây giờ mới có, tuy nhiên nếu không ngăn chặn được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Bởi lẽ, mỗi một du khách khi đi ra nước ngoài đều là đại sứ du lịch, đại diện cho Việt Nam”, ông Ngô Hoài Chung cho biết.

Quả thực, khi điểm lại một số vụ việc được báo chí nhắc đến thời gian gần đây, nhiều người không khỏi xấu hổ vì hành vi của người Việt nơi đất khách. Ngoài ra, những tấm biển cấm người Việt vứt rác bừa bãi, cấm trộm cắp, cấm lấy đồ ăn thừa, cấm đi vệ sinh bừa bãi… bằng tiếng Việt tại một số nước cũng khiến nhiều người Việt không khỏi chạnh lòng nơi đất khách quê người. Liệu những du khách Việt tử tế sẽ nghĩ gì khi chứng kiến cảnh này? Câu hỏi này, không khó để trả lời…

Xã hội - Tổng cục Du lịch nói về đề xuất cấm xuất ngoại du khách Việt xấu xí

 Nhìn những tấm biển này nơi đất khách, những du khách Việt sẽ nghĩ gì? 


Theo ông Chung, đặc biệt, với những người Việt Nam khi ra nước ngoài mà có những hành vi phản cảm như ăn cắp, vi phạm luật nước sở tại thì xã hội cũng khó chấp nhận được, cần phải bị lên án. Những trường hợp như vậy thì ngành du lịch chắc chắn sẽ phải thực hiện những biện pháp cứng rắn. Vừa qua, ngày 2/3, Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ký ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh cho người dân khi đi du lịch. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào khác, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không có chế tài xử lý.

Ông Chung cho rằng, đề xuất của một số đơn vị lữ hành về việc “cấm cửa” xuất ngoại với hành khách có vi phạm mới chỉ là xem xét, đề xuất. Việc cấm xuất cảnh hay không thuộc phạm vi quản lý của bộ Công an chứ tổng cục Du lịch không có quyền. Ngành du lịch mới chỉ thực hiện ở phạm vi khuyến cáo, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, định hướng cách ứng xử với du khách khi đi du lịch trong và ngoài nước.

Xã hội - Tổng cục Du lịch nói về đề xuất cấm xuất ngoại du khách Việt xấu xí (Hình 2).

 Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng, tổng cục Du lịch, bộ Văn hóa, thể thao & Du lịch.


“Bộ quy tắc ứng xử hay bất kỳ một bộ quy tắc nào cũng không phải là “chiếc đũa thần” để có thể thay đổi hiện trạng trong một sớm một chiều. Phải có thời gian và lộ trình, lâu dài bền bỉ, kết hợp giữa xây và chống thì mới dần dần thay đổi được thói quen xấu của một bộ phận người dân khi đi du lịch”, ông Chung nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng văn phòng luật sư Huy An cho rằng, việc từ chối tiếp nhận, cấm xuất cảnh với những hành khách vi phạm là vô lý. Việc này có phần xâm phạm quyền tự do cá nhân của con người. Bởi lẽ, nếu cá nhân có vi phạm pháp luật thì cũng đã có chế tài xử lý với những vi phạm này rồi. “Các công ty du lịch có quyền từ chối với những du khách có vi phạm trước đó. Tuy nhiên, việc họ đề xuất cấm cửa du khách xuất ngoại là vô lý”, ông An cho hay.

Vị này cũng chia sẻ thêm, việc vi phạm của các cá nhân ở nước ngoài cũng khó có thể quy trách nhiệm quản lý hoàn toàn cho các đơn vị lữ hành. Họ phải có trách nhiệm phổ biến những vấn đề có liên quan đến pháp luật của nước sở tại cho du khách. Khi xảy ra những trường hợp vi phạm đáng tiếc cho khách ở nước ngoài, các đơn vị lữ hành cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý với những biện pháp khác nhau, tùy từng mức độ vụ việc như liên hệ với đại sứ quán nơi du khách có vi phạm.

Phải nâng cao vai trò đơn vị lữ hành
Phó tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung cũng nhấn mạnh vai trò của các đơn vị lữ hành trong việc thay đổi thói quen của du khách. Theo đó, năm 2017, tổng cục Du lịch sẽ có những kế hoạch triển khai đến các đơn vị kinh doanh lữ hành, in ấn những văn bản ngắn gọn, dễ thuộc để phát cho du khách. Đặc biệt, sẽ phổ biến đến các trường đào tạo hướng dẫn viên để họ nắm được và phổ biến cho du khách và các đối tượng tham gia vào quá trình du lịch như đơn vị tổ chức, cơ sở lưu trú, đơn vị vận chuyển, các điểm mua sắm, ăn uống, người dân ở địa phương có điểm du lịch…

Đ.Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.