Theo đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền đã ký văn bản số 4949/TCĐBVN gửi sở GTVT Hà Nội đề nghị làm rõ những thông tin báo chí đăng về một số cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn Hà Nội thực hiện tuyển sinh đào tạo lái xe và nhận “chống trượt” không đúng theo quy định của bộ Giao thông Vận tải.
Văn bản nêu rõ, để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm (nếu có) theo phản ánh của dư luận, đồng thời để tăng cường quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị sở GTVT Hà Nội thực hiện ngay một số nội dung sau: Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có). Ngoài ra, công khai tình hình kiểm tra và xử lý vi phạm về nội dung báo chí phản ánh sau khi có kế quả kiểm tra cụ thể; chủ động thực hiện các giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với tất cả các đơn vị đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe để đảm bảo quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trên địa bàn.
Đồng thời, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu sở GTVT Hà Nội báo cáo kết quả kiểm tra trước ngày 17/8/2018.
Trước đó, dư luận phản ánh việc một số học viên phải bỏ ra 150 nghìn - 300 nghìn đồng/giấy khám sức khỏe (tùy cho lái xe máy hoặc ô tô) trả cho trung tâm đào tạo lái xe, nhưng họ vẫn lựa chọn vì “nhanh chóng, tiện lợi”.
Không chỉ vậy các trung tâm này còn có gói thi “chống trượt” phần thi lý thuyết cho các học viên khi thi sát hạch bằng lái. Nếu chịu chi khoảng 1 triệu đồng đối với lái xe máy và 2,5 triệu đồng đối với lái xe ô tô, học viên được trung tâm đào tạo cam kết nhắc bài để vượt qua phần thi lý thuyết với điểm số cao...
Thế Anh