Theo đó, thời gian qua, tổng cục Hải quan nhận được phản ánh của một số cá nhân đề nghị xác thực nội dung về việc ra Thông báo số 2945/TB-TCHQ ngày 9/5/2017 về việc nộp tiền vào ngân sách Nhà nước do được mua xe ô tô đã qua sử dụng, ô tô mới 100% và xe gắn máy mới 100% thanh lý.
Đại diện của tổng cục Hải quan khẳng định, qua kiểm tra đối chiếu, tổng cục Hải quan chỉ ban hành Công văn số 2945/TCHQ-HTQT ngày 4/5/2017 về việc đón tiếp và làm việc với Hải quan tỉnh Kratie - Vương quốc Campuchia.
Tổng cục Hải quan khẳng định không ký ban hành Công văn số 2945/TB-TCHQ ngày 9/5/2017 về việc nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Thông báo này là do các đối tượng làm giả với mục đích lừa đảo góp vốn.
Liên quan đến vụ việc này, hiện tổng cục Hải quan đã đề nghị tổng cục Cảnh sát và phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP.Hà Nội xem xét điều tra, xử lý theo quy định.
Được biết, trong thông báo giả mạo, số tiền mà các đối tượng lừa đảo xác nhận lên tới 35 tỷ đồng. Với giấy xác nhận này, các đối tượng có khả năng lừa đảo kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp tham gia góp vốn. Đáng chú ý là trên các tờ thông báo giả có cả chứng thực của UBND phường.
Đây là lần đầu tiên tổng cục Hải quan phát hiện tình trạng giả mạo này.
Trước đó, trong năm 2016, trên mạng xã hội cũng đã từng diễn ra tình trạng lừa đảo bán xe thanh lý của cơ quan hải quan. Các đối tượng thậm chí còn làm giả các công văn của các cơ quan chức năng về việc cơ quan hải quan thanh lý các loại xe mới nhập lậu, trốn thuế, bán ra với giá rẻ và hợp pháp.
Sau khi có thông tin trên báo chí, cục Hải quan Đồng Tháp cũng đã phải có công văn thông báo về hành vi giả mạo thông tin của cục Hải quan Đồng Tháp quanh việc bán xe này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn đề này lại rộ lên với nhiều nghi vấn.
Đỗ Huệ