Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin sáng ngày 16/2, bà Nguyễn Thu Nhiễu, phó cục trưởng cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ)- tổng cục Hải quan cho biết, vụ việc công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) bị ấn định truy thu thuế hơn 100 tỷ đồng được thực hiện sau quá trình kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp này.
Việc KTSTQ với Mercedes-Benz Việt Nam được căn cứ theo các quy định của pháp luật, chỉ đạo của lãnh đạo bộ Tài chính, tổng cục Hải quan. Tháng 6/2016, cục KTSTQ ban hành quyết định KTSTQ tại trụ sở doanh nghiệp theo quy định.
Tháng 10/2016, căn cứ kết quả kiểm tra và giải trình của doanh nghiệp, cục KTSTQ ban hành quyết định ấn định thuế đối với công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam, tổng số tiền ấn định hơn 100 tỷ đồng.
Xem thêm: <<Đến lượt 'ông lớn' Mercedes-Benz bị truy thu thuế 100 tỷ đồng<<
Hai lý do ấn định của cơ quan hải quan là do doanh nghiệp khai báo chưa chính xác mã số đối với hàng hóa nhập khẩu dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp; thứ hai là Mercedes-Benz Việt Nam và đối tác nước ngoài có quan hệ đặc biệt nhưng khai báo chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa chính xác các tiêu chí trên tờ khai hải quan, tờ khai trị giá khi làm thủ tục hải quan, nên cơ quan hải quan không chấp nhận trị giá khai báo và tiến hành xác định lại trị giá hải quan theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo cục KTSTQ cho biết, đến tháng 12/2016, Mercedes-Benz Việt Nam đã chấp hành quyết định ấn định thuế và nộp đủ số tiền thuế còn thiếu theo quyết định của cơ quan Hải quan.
Đại diện cục KTSTQ cho biết, các trình tự, thủ tục kiểm tra, ban hành quyết định ấn định thuế đều được cơ quan hải quan thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, theo đại diện cục KTSTQ, khi cơ quan Hải quan làm việc với công ty trong và sau quá trình KTSTQ, Mercedes-Benz Việt Nam luôn hợp tác, cung cấp đầy đủ các chứng từ tài liệu liên quan. Đặc biệt, sau khi kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, cơ quan hải quan đã tạo nhiều cơ hội để doanh nghiệp giải trình, chứng minh các nội dung đã kiểm tra.
Sau khi có quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan, Mercedes-Benz Việt Nam đã có ý thức, tinh thần trách nhiệm tuân thủ quyết định ấn định thuế và nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước như đề cập ở trên, mặc dù doanh nghiệp vẫn còn ý kiến khác gửi cơ quan chức năng.
Hiện nay, doanh nghiệp đã gửi văn bản khiếu nại và cơ quan Hải quan đang tiếp nhận, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo cục KTSTQ chia sẻ thêm, hoạt động KTSTQ không chỉ là việc thu hồi số tiền thuế cho ngân sách nhà nước, mà quan trọng hơn, thông qua hoạt động nghiệp vụ KTSTQ, cơ quan Hải quan sẽ giúp doanh nghiệp phát hiện các sai sót trong áp dụng chính sách pháp luật để kịp thời khắc phục, tránh kéo dài tình trạng sai sót về sau. Cơ quan Hải quan luôn xem doanh nghiệp là đối tác hợp tác trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực Hải quan.
KTSTQ là hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của cơ quan Hải quan được quy định rõ trong luật Hải quan và các văn bản pháp luật có liên quan. Đặc biệt, KTSTQ cũng là một phương thức quản lý hải quan hiện đại được tổ chức Hải quan thế giới (WCO) khuyến nghị hải quan các nước thành viên thực hiện trong bối cảnh đẩy mạnh tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Cũng chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thu Nhiễu cho biết, trước đó, hải quan cũng đã tiến hành ấn định truy thu thuế đối với một số doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối xe sang như công ty cổ phần tập đoàn Tân Thành Đô (đơn vị nhập khẩu xe Land Rover và Jaguar), công ty cổ phần ô tô Regal (chuyên nhập khẩu xe Rolls-Royce). Hiện, các doanh nghiệp này có doanh nghiệp cũng đã nộp được một phần trong tổng số thuế ấn định, có doanh nghiệp chưa nộp và đang tiến hành thủ tục khiếu nại. Tổng cục kiểm tra sau thông quan vẫn luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thực hiện đầy đủ các quyền của mình, trong đó có quyền được khiếu nại trên nguyên tắc đảm bảo sự khách quan tối đa. |
Đ.Huệ