Tại cuộc họp báo quý III/2018 của bộ Tư pháp được tổ chức vào chiều 29/10, ông Nguyễn Văn Lực, Phó tổng cục trưởng tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, việc thi hành án tài sản trong các đại án là một nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ Tư pháp vô cùng quan tâm trong thời gian qua.
“Về vụ Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương- Oceanbank) và đồng phạm, theo bản án, tiền án phí và truy nộp sung công quỹ Nhà nước là 71 tỷ 565 triệu đồng, trả ngân hàng Oceanbank và các cá nhân khác hơn 84 tỷ 129 triệu đồng. Đồng thời buộc Hà Văn Thắm và 4 đồng phạm khác bồi thường cho Ocenabank hơn 1.846 tỷ 687 triệu đồng .
Kết quả đến nay đã thu được tiền án phí, truy nộp sung công quỹ Nhà nước là 594 triệu đồng, trả lại cho ngân hàng Oceanbank và các cá nhân khác là hơn 84 tỷ đồng, bồi thường cho Oceanbank hơn 24 tỷ đồng. Số tiền còn lại trong việc thi hành án còn khá lớn.
Về vụ Châu Thị Thu Nga và đồng phạm, tiền án phí 53 triệu đồng, tiền bồi thường cho các tổ chức, cá nhân hơn 358 tỷ đồng. Hiện nay đã thu được hơn 4 tỷ tiền bồi thường cho các tổ chức và cá nhân và cũng đã xử lý 1 xe ô tô, thu được hơn 600 triệu đồng”, ông Lực thông tin.
Đề cập đến vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, ông Nguyễn Văn Lực cho biết, số tiền ông Thăng và 5 người khác phải bồi thường cho PVN là trên 820 tỷ đồng, trong đó cá nhân ông Thăng là khoảng 630 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay cơ quan thi hành án mới thu hồi được 521 triệu đồng tiền án phí, 20 tỷ đồng tiền bồi thường. Còn lại 912 triệu đồng tiền án phí chưa được thi hành và khoảng 800 tỷ đồng chưa được thu hồi.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc thi hành án các vụ án lớn, vị Phó tổng cục trưởng đã nêu ra các vấn đề khiến việc thi hành án gặp nhiều vướng mắc.
Đầu tiên, số tiền của các vụ án phải thi hành án thường rất lớn, tài sản cơ quan thu giữ hoặc kê biên trong quá trình điều tra thì không đủ để thi hành án. Trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án rất khó khăn trong việc tiến hành xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án. Hầu hết các trường hợp này không còn tài sản khác mà trực tiếp đứng tên.
Thứ hai, tài sản thi hành án của các vụ việc này thường nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Trong khi đó, tại Điều 57 luật THADS lại quy định phải xử lý xong tài sản ở địa phương ra quyết định thi hành án thì mới tiếp tục ủy thác việc thi hành án về các địa phương khác.
Thứ ba, một số tài sản này là cổ phiếu có liên quan đến chứng khoán nên cần có sự phối hợp thực hiện của các cơ quan liên quan cho nên tiến độ giải quyết các vụ việc cần có thời gian.
Cuối cùng, trong quá trình thi hành án, có sự phát sinh tài sản giữa vợ chồng, do đó cơ quan thi hành án phải phân chia theo luật Hôn nhân gia đình. Điều này, đã khiến việc thi hành án cũng gặp rất nhiều khó khăn.