Theo Vietnamnet, đại diện Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này sẽ đối chiếu các dữ liệu của ngành thuế xem các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam mà hồ sơ này nêu tên có thuộc đối tượng kê khai và nộp thuế hay không.
Nếu các DN này đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, ngành thuế sẽ rà soát các thông tin liên quan. Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc này sẽ cần đến sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam và khá phức tạp.
Tính tới ngày 21/11, theo công bố của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), Việt Nam có 92 thực thể nước ngoài (Offshore Entities), 22 cá nhân và 171 địa chỉ được nhắc đến trong các hồ sơ.
Theo đó, các công ty chủ yếu được đặt tại các "thiên đường thuế" Bermuda, quần đảo Cayman Islands và quần đảo British Virgin thuộc Vương quốc Anh.
Một số công ty được cho là có liên quan đến người Việt Nam vì chứa các từ khóa như: Phú Quốc, Hội An, Việt Nam... Trong số các cá nhân có tên trong Hồ sơ Paradise có một số tên giống tên một số doanh nhân Việt như: Scriven - Dominic Tymothy Charles, Lam - Don Di, Nguyen - Louis T...
Trước đó, ngày 5/11/2017, ICIJ đã chia sẻ một phần của bộ "Hồ sơ Paradise". Đây là tập hợp 13,4 triệu tài liệu liên quan đến đầu tư offshore (đầu tư ở hải ngoại, thường là qua những công ty tài chính môi giới) đã được tiết lộ qua báo Süddeutsche Zeitung của Đức. Tờ báo này đã chia sẻ hồ sơ với Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).
Một năm sau vụ “Hồ sơ Panama”, sự rò rỉ “Hồ sơ Paradise” được coi như Panama thứ hai, đã tiếp tục gây chấn động thế giới.
Thanh Hương (t/h)