Tông đơ “cháy” hàng
Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các tiệm cắt tóc phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, nhiều người dân đã tự mua các dụng cụ cắt tóc về nhà khiến thị trường tông đơ, kéo cắt tóc sôi động. Nhiều quán còn phải từ chối khách, không tiếp tục nhận đơn do "cháy" hàng.
Chị Mai, một người kinh doanh dụng cụ cắt tóc ở Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày, nhà chị cung cấp ra thị trường hơn 300 chiếc tông đơ. Khách mua sẽ chọn loại tông đơ điện, đa chức năng có thể dễ dàng cắt tỉa tóc. Các thương hiệu đa phần đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc với giá dao động 200.000 - 300.000 đồng/chiếc.
"Tôi kinh doanh mặt hàng tông đơ đã được 3 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy đơn hàng tăng đột biến, gấp 2 - 3 lần so với trước dịch. Người tiêu dùng, nhất là nam giới đua nhau đi mua tông đơ sau thời gian dài không được đến quán cắt tóc", chị nói.
Thậm chí, nhiều cửa hàng bán dụng cụ cắt tóc khác phải tạm dừng đơn nhận hàng vì lượng cầu vượt quá lượng cung.
"Ngày trước, mỗi khi mua hàng, khách đều xem kỹ, kén chọn nhưng giờ thì không, bởi còn hàng đâu mà mua. Từ đầu tháng 8, toàn bộ số tông đơ nhà tôi đều bán hết sạch, đến nỗi chồng tôi muốn đổi cái tông đơ mới mà trong kho không còn", chị An, chủ cửa hàng dụng cụ cắt tóc ở Đông Anh chia sẻ.
Chị An cho biết thêm, do Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, cửa hàng lại nằm trong diện không được hoạt động nên chị chủ yếu là bán online và trên sàn thương mại điện tử. Nhưng doanh thu mang về rất khá ấn tượng khi mỗi ngày chị đều thu về 9 - 12 triệu đồng tiền bán tông đơ.
Theo chị An, dòng tông đơ có mức giá tầm trung từ 200.000 - 250.000 đồng là bán chạy nhất. Thông thường, bộ tông đơ sẽ gồm: Một tông đơ, bốn đầu thay thế, một chai dầu máy, một dây sạc usb, một lược, một chổi vệ sinh. Ở cuối tông đơ sẽ được thiết kế sạc, kết nối với pin. Nếu sạc đầy, máy chạy liên tục được trong vòng 6 - 8 giờ đồng hồ.
Song, mặc dù thị trường tông đơ vẫn đang vô cùng sôi động nhưng những chủ cửa hàng cũng cảnh báo khách hàng về những loại sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi mua phải hết sức cẩn thận, cần xem, đọc kỹ thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bi hài chuyện “thượng đế” tự dùng tông đơ
Vừa trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng cũng vừa là giữa mùa hè, nhiều người đã không ngần ngại đầu tư một khoản tiền rồi tìm tòi cách tự cắt tóc tại gia.
Điển hình như chuyện của anh Đoàn Minh Chí (31 tuổi, ngụ chung cư Hoà Bình, phường 14, quận 10). Vì tóc quá dài và nóng nên anh đã quyết định mua dụng cụ cắt tóc về nhà.
Sau đó, Chí "biến" cô vợ của mình thành thợ cắt tóc bất đắc dĩ. “Tôi nhờ mà vợ không biết cắt. Tôi ngồi run mà vợ cầm tông đơ cũng run. Tôi run vì sợ vợ cắt sâu vô đầu, chảy máu, còn vợ run vì không biết cắt như thế nào. Cuối cùng tôi nói vợ cắt theo kiểu học sinh. Tức nhìn các kiểu đầu học sinh ra sao rồi cắt giống vậy. Tôi để vợ cắt nửa phần đầu, sau đó ngồi nhớ lại cách thợ đã từng cắt cho mình rồi dặn vợ cắt như thế đó”, Chí nói.
15 phút sau, mái tóc dài của anh cũng đã ngắn như ý muốn. Chí được vợ tỉa lại cho đẹp, rồi cạo sạch hai bên tai, cuối cùng là cắt ngắn phần mái. Theo Chí, quy trình này không theo thứ tự gì cả, chỉ là ngẫu hứng mà thôi. May mắn thay sau đó “tác phẩm” đầu đời lại được mọi người khen ngợi và đặc biệt là vừa lòng anh chồng.
Cũng giống với anh Chí, chị Nguyễn Trinh Thùy (33 tuổi, ngụ phường 11, quận 5, Tp.HCM) đã đặt đồ nghề về nhà và trở thành “cây kéo vàng” của tất cả thành viên trong gia đình và đồng nghiệp ở công ty.
“Cắt tóc ở nhà mùa giãn cách này tiện lợi, tiết kiệm được tiền, dễ quét dọn, đảm bảo an toàn phòng dịch khi không ra ngoài. Tôi chỉ cần một ghế để trước cửa nhà rồi mang dụng cụ ra cắt, cắt xong là vô nhà liền. Tuy nhiên, tôi chỉ cắt được kiểu duy nhất là đầu đinh nên mọi người không ai được đòi hỏi kiểu khác. Hết dịch chắc tôi trở thành "cây kéo vàng" trong làng tự cắt tóc ở nhà quá”, Thùy hài hước cho biết.
Han (t/h từ Thanh niên, Dân Trí)