Vào 20h30 ngày 19/10/2013, theo tin báo của người dân, PV Người đưa tin đã theo chân một xe công nông chở khoảng 10m3 gỗ bằng lăng đi từ rừng Buôn Ja Wâm qua địa bàn xã EaKiết, huyện Cư Mga (Đăk Lăk). Do chở quá nặng, xe này chỉ dám di chuyển với tộc độ khoảng 5km/h.
Điều đáng nói là, chiếc xe này đã đi qua nhiều chốt trạm bảo vệ rừng, chốt trạm Kiểm lâm và cổng Lâm trường BJW, nhưng không hề có bóng dáng của cán bộ kiểm lâm hay bảo vệ rừng ra kiểm tra.
Trước sự việc bất thường trên, chúng tôi đã gọi điện cho ông Dương Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp BJW (đơn vị quản lý rừng BJW - PV) để thông báo sự việc.
Tuy nhiên, thay vì tiếp thu ý kiến phản ánh một cách nhẹ nhàng thì ông Sơn lại lớn tiếng tuyên bố: “Anh phát hiện thì anh cứ bắt” (?!).
Khi PV đáp lại: Nhiệm vụ của chúng tôi khi phát hiện gỗ lậu thì phải thông báo cho cơ quan chức năng, còn trách nhiệm bắt giữ là của các đơn vị có thẩm quyền, thì ông này cúp máy cái “rụp”.
Khi chiếc xe đi qua cổng Lâm trường BJW khoảng 500m, chúng tôi thấy ông Cải Minh Hoàng, cán bộ kiểm lâm đang ngồi uống cà phê gần đó. PV đến trình bày sự việc cho ông biết để kịp thời xử lý chiếc xe chở gỗ lậu trên, thì ông này ậm ừ rồi bốc máy gọi điện cho ai đó. Chiếc xe vẫn tiếp tục lăn bánh qua cổng Lâm trường như không có chuyện gì.
Theo thông tin từ người dân địa phương cho biết, đêm nào cũng có hàng chục xe gỗ đi qua địa bàn xã Ea Kiết, thời gian từ 20h đến 24h (gồm xe công nông độ chế và xe ô tô có mui bịt kín - PV). Những xe này chở từ 8-12m3 gỗ, có giá “đóng luật” cho các trạm là trên 6 triệu đồng.
Sáng ngày 20/10, cách trạm bảo vệ rừng của Lâm trường BJW không quá 500m (trạm này do ông Trần Văn Vơn làm Trạm trưởng), chúng tôi đã ghi lại hình ảnh hàng trăm cây gỗ bằng lăng có đường kính từ 30-70cm đã bị cắt và cưa xẻ. Hiện còn khoảng 100m3 gỗ đang để lại đây, còn phần lớn đã được chuyển đi các nơi khác.
Cách trạm bảo vệ khoảng 50m, 2 cây bằng lăng lớn vừa bị hạ sáng ngày 20/10 còn nằm nguyên dưới bờ suối.
Một trong hàng trăm cây bằng lăng bị lâm tặc đốn hạ.
Khi chúng tôi hỏi một cán bộ bảo vệ trạm này: "Vì sao gỗ bị cắt ngay tại trạm mà không có ý kiến? Người này không nói không rằng, đứng dậy bỏ đi ra sau nhà và gọi điện thoại" (?!).
Nhiều người dân ở BJW cho biết, hàng ngàn hec ta rừng BJW không còn gỗ nữa, chỉ có những khu gần trạm bảo vệ thì mới còn gỗ lớn. Việc cắt và cưa xẻ số gỗ này ngay tại trạm tất yếu phải được lâm trường bảo kê.
Mặc dù cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Mga đang hoàn tất hồ sơ để truy tố một số cán bộ đoàn Kiểm lâm liên ngành có hành vi nhận tiền bảo kê cho lâm tặc mà báo Người đưa tin đã phản ánh, nhưng tình hình cắt, xẻ gỗ lậu ở đây vẫn diễn ra bình thường. Những hoạt động ngang nhiên này cho thấy các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng ở Cư Mga sẵn sàng bất chấp pháp luật để tiếp tục bảo kê cho lâm tặc “dọn” sạch những cây gỗ còn lại.
Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc, Sở NN&PTNT và lãnh đạo huyện Cư Mga cần phải vào cuộc nghiêm khắc hơn, triệt để hơn đối với những đối tượng đang đội lốt “kiểm lâm”, “lâm trường” bảo kê cho lâm tặc phá rừng, đồng thời tiến hành xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan này.
Chúng tôi sẻ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc ý kiến của lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc về vụ việc trên vào kỳ tới.
Trung Lương