Đẩy mạnh số hoá giảm phát thải ra môi trường
Người Đưa Tin (NĐT): Tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ông đánh giá thế nào về nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng xanh của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank: Đảng, Nhà nước, với tầm nhìn chiến lược, đã xác định chủ trương và lộ trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn hướng tới Net Zero.
Để đảm bảo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Chính phủ xác định cần đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.
Đồng thời, xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên, từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Do đó, trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cần đầu tư vào hệ thống, dây chuyền sản xuất, cơ sở hạ tầng để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh nhất định. Các hoạt động này đều phát sinh nhu cầu vốn và chi phí trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững.
NĐT: Xu hướng xanh hóa trong hoạt động tài chính đang ngày càng mở rộng, trong làn sóng này, TPBank là một trong những đơn vị đi đầu, nổi bật với Dự án Xây dựng Khung và Nâng cao năng lực thực thi về Môi trường – Xã hội – Quản trị (Dự án ESG), ông có thể chia sẻ thêm về định hướng này.
Ông Nguyễn Hưng: Tháng 8/2023, TPBank khởi động Dự án ESG. Với dự án này, công tác quản trị rủi ro, nền tảng phát triển an toàn và bền vững của TPBank sẽ tiếp tục vươn lên tầm cao mới.
Trong thời gian tới, TPBank có thể tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ để thực thi tốt việc quản trị theo tiêu chuẩn ESG quốc tế, đảm bảo cho sự phát triển xanh, lành mạnh, bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, môi trường.
NĐT: Mục đích của TPBank khi sáng tạo và phát triển mô hình hệ thống ngân hàng tự động không ngủ LiveBank có bao gồm việc phát triển môi trường bền vững hay không?
Ông Nguyễn Hưng: Hiện nay, 98% giao dịch của khách hàng TPBank được thực hiện qua kênh số. Hơn 90% các hoạt động tại ngân hàng được số hoá, giảm thiểu hồ sơ, giấy tờ, bản cứng trong các quy trình nghiệp vụ.
Điều này cho phép mọi quy trình được tiến hành nhanh hơn, an toàn hơn rất nhiều cũng như bảo đảm tính toàn vẹn cho dữ liệu. Từ đó, ngân hàng tiết kiệm 40% chi phí vận hàng và 60% thời gian giao dịch trung bình tại quầy của khách hàng.
LiveBank 24/7 có thể phục vụ 90% nhu cầu giao dịch của khách hàng nhưng chi phí vận hành chỉ bằng 1/10 so với một chi nhánh/phòng giao dịch.
Khách hàng của TPBank từ lâu đã không cần mang bất cứ giấy tờ và rất dễ dàng giao dịch với LiveBank 24/7 thông qua xác thực sinh trắc học đảm bảo an toàn và bảo mật.
Nhờ vậy không chỉ gia tăng sự tiện lợi và chất lượng dịch vụ khách hàng, mà còn thể hiện sự cam kết của TPBank với mục tiêu giảm phát thải, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cân đối nguồn vốn để cấp dòng tín dụng cho các dự án xanh
NĐT: Hiện nay, các quy định về tín dụng xanh mới chỉ mang tính chất định hướng, khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện mà chưa mang tính bắt buộc. Đối với TPBank, điều này tạo ra cơ hội và thách thức gì cho ngân hàng trong quá trình triển khai tín dụng xanh?
Ông Nguyễn Hưng: Hiện tại, việc hướng dòng tín dụng tới các dự án xanh chưa phổ biến tại thị trường ngân hàng Việt Nam. Trong khi các ngân hàng trên thế giới luôn có các chương trình hợp tác dòng vốn hướng đến doanh nghiệp xanh, dự án xanh.
Về phía nguồn vốn, TPBank nói riêng có nhiều cơ hội hợp tác với đối tác để nhận dòng vốn với chi phí ưu đãi, tập trung hướng đến các dự án xanh, phát triển xanh. Nhờ đó dần khẳng định vị thế vị thế tiên phong trong quá trình thúc đẩy tín dụng xanh, môi trường xanh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, số lượng dự án xanh hiện nay tương đối hạn chế. Đồng thời, các dự án này cần đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn nhất định về phát triển xanh, do đó thời gian xác định và giám sát cũng cũng là các yếu tố tác động đến quá trình giải ngân. Bên cạnh đó, dự án cũng cần đảm bảo hiệu quả đầu tư và đánh giá đủ điều kiện cấp tín dụng.
NĐT: Nguồn lực cho tín dụng xanh của các ngân hàng hiện nay dựa phần nhiều vào các chương trình có nguồn tài trợ quốc tế, song đó chỉ nguồn lực bên ngoài và có vai trò trong giai đoạn đầu. Theo ông, liệu có cần giải pháp về lâu dài để việc cấp tín dụng cho dự án là trọn đời dự án chứ không chỉ theo giai đoạn?
Ông Nguyễn Hưng: Trong tương lai, khi các ngân hàng triển khai phổ biến ESG, và chú trọng đến phát triển xanh, bền vững, chắc chắn sẽ có những dòng vốn riêng cho các dự án xanh. Tùy thuộc vào quy mô vốn, nguồn lực của mỗi ngân hàng sẽ có tỉ trọng nhất định cho tín dụng xanh và hỗ trợ các dự án xanh.
TPBank thời gian tới cũng sẽ cân đối nguồn vốn để cấp dòng tín dụng cho các dự án xanh, bên cạnh dòng vốn nước ngoài theo các chương trình của những đối tác quan trọng như WorldBank, ADB…
NĐT: Xin chân thành cảm ơn ông vì những chia sẻ trên!