Hỗn loạn sau khi vỡ đập cao nhất nước Mỹ
Hồ Oroville, một trong những hồ nhân tạo lớn nhất tại Mỹ và nằm trên độ cao 231 mét, đã bị lũ lụt đe dọa nghiêm trọng từ hôm thứ Bảy buộc các kỹ sư thủy lực phải tiến hành xả nước khẩn cấp để bảo vệ.
Gần 200.000 người ở California đã được sơ tán sau khi đập Oroville bị vỡ. Chính quyền California tiếp tục cố gắng để sửa chữa đập cao nhất nước Mỹ.
Assad ‘ngược dòng’, ủng hộ sắc lệnh nhập cư của ông Trump
Trong khi Iran và những quốc gia Hồi giáo khác thể hiện sự phản đối gay gắt với sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump thì Tổng thống Syria Bashar al-Assad lại có quan điểm hoàn toàn khác.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Yahoo News, Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định rằng “rõ ràng” đã có những kẻ khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn Syria, trong đó có cả những tay súng cực đoan thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
13 thủ lĩnh IS bị tiêu diệt do Iraq đánh bom ‘hội nghị lãnh đạo IS’
Trang tin The New Arab dẫn một tuyên bố hôm 13/2 cho hay không quân Iraq đã tiến hành không kích nhằm vào một cuộc họp của các thủ lĩnh IS, trong đó có thể bao gồm cả Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo tối cao của tổ chức khủng bố này.
Thủ tướng Canada phản ứng về sắc lệnh nhập cư của TT Mỹ Donald Trump
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 13/2 (giờ Mỹ), Thủ tướng Canada đã thể hiện những quan điểm khác biệt về vấn đề di cư.
Cụ thể, tại phòng Bầu Dục, ông Donald Trump đã nỗ lực bảo vệ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh, khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu để thực hiện chính sách này, thậm chí có thể tính đến việc mở rộng phạm vi áp dụng.
Ông Trudeau cho hay, Canada đã chấp nhận hàng chục nghìn người tị nạn Syria, vậy nên có những lúc hai bên “khác nhau về cách tiếp cận” nhưng ông khẳng định ông không tới Mỹ để "rao giảng" về chính sách gây tranh cãi với lãnh đạo Mỹ.
Thủ tướng Trudeau khẳng định, người dân Canada và Mỹ có lịch sử lâu đời phối hợp, chiến đấu và hy sinh bên nhau.
Về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Tổng thống Trump dường như để trấn an Canada, khẳng định những quan ngại chính của ông về hiệp định này là liên quan tới Mexico. Ông ca ngợi mối quan hệ thương mại Canada-Mỹ là “tuyệt vời”.
Ivanka bị chỉ trích vì ngồi vào ghế của Tổng thống Trump
Hôm 13/2, cô Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Mỹ, đã chia sẻ trên Twitter bức ảnh chụp cô đang tươi cười ngồi trên ghế dành cho tổng thống trong phòng Bầu dục, đứng hai bên là ông Donald Trump và Thủ tướng Justin Trudeau.
Bức ảnh trên được đăng kèm dòng chú thích: “Cuộc trao đổi tuyệt vời với hai nhà lãnh đạo thế giới về tầm quan trọng của việc phụ nữ trên bàn thảo luận”.
Dù nhận được hơn 36.000 lượt thích và khoảng 8.000 lượt chia sẻ nhưng bức ảnh cũng hứng nhiều chỉ trích của cư dân mạng.
“Phòng Bầu dục không dành cho con gái của tổng thống", một người viết.
Một người khác bức xúc: "Ivanka Trump, không ai bầu cho cô cả”.
Bên cạnh những bình luận như trên cũng có nhiều người dành lời khen cho cô con gái của Tổng thống Trump, cho rằng cô là hình mẫu phụ nữ lý tưởng mà nhiều người nên học tập.
Đây không phải lần đầu tiên có một người không phải tổng thống Mỹ ngồi trên chiếc ghế trong phòng Bầu Dục. Thời cựu Tổng thống Barack Obama thậm chí từng có những đứa trẻ được ngồi vào vị trí này.
Nga: Cố vấn An ninh Quốc gia từ chức là việc nội bộ của Mỹ
Kênh CNN của Mỹ dẫn hai nguồn tin khẳng định Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn đã từ chức đêm 13/2 trong bối cảnh có những tranh cãi liên quan tới những quan hệ của ông với giới chức Nga trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Một ngày sau, tức ngày 14/2, phát biểu với giới báo chí, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn điện Kremlin tuyên bố: "Đây là vấn đề nội bộ của Mỹ, đó là công việc nội bộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump và không phải là việc của Nga".
Cũng trong ngày này, một số nghị sĩ Nga đã lên tiếng bệnh vực ông Michael Flynn. Ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga viết trên Facebook rằng việc sa thải một cố vấn an ninh do có liên hệ với Nga "không những là bệnh hoang tưởng mà thậm chí còn là điều tồi tệ"
Michael Flynn là quan chức cấp cao đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump phải từ nhiệm, chỉ 3 tuần sau khi ông chính thức nhận nhiệm sở.
Công tố viên Hàn Quốc tiếp tục xin lệnh bắt giữ lãnh đạo Samsung
Hãng thông tấn Yonhap cho hay, các công tố viên Hàn Quốc ngày 14/2 lại tiếp tục xin lệnh bắt giữ ông Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics Co., với những cáo buộc về hối lộ liên quan đến Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye. Trước đó, hồi tháng 1, đề nghị tương tự của họ đã bị bác bỏ.
Trước đó, ngày 13/2, ông Lee mới bị thẩm vấn lần thứ hai trong khuôn khổ điều tra về vụ bê bối liên quan đến người bạn thân của bà Park là bà Choi Soon-sil. Hạn cuối cho việc điều tra là ngày 28/2 tới.
Thời gian điều tra có thể được kéo dài thêm 1 tháng nếu Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn cho phép.
Cơ quan điều tra nghi ngờ ông Lee đã hối lộ hoặc hứa đút lót cho bà Choi khoảng 43 tỷ won (36,3 triệu USD) để đổi lấy việc Cơ quan Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc hậu thuẫn vụ sáp nhập 2 chi nhánh của Samsung.
Nhật gửi công hàm phản đối Nga đặt tên cho đảo tranh chấp
Chính phủ Nhật Bản vừa gửi công hàm chính thức phản đối việc của Nga đặt tên cho 5 hòn đảo vốn thuộc quần đảo Kuril. Đây là năm hòn đảo trước đây chưa từng được đặt tên.
Hiện quần đảo Kuril đang được Nga đang kiểm soát, nhưng Nhật Bản lại xem đây là khu vực còn tranh chấp và gọi quần đảo là "Vùng lãnh thổ phương Bắc".
“Điều này không thể chấp nhận được và đi ngược lại quan điểm của Nhật Bản”, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói ngày 14-2.
Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký quyết định đặt tên cho 5 hòn đảo trên quần đảo Kuril, theo TASS. Quyết định đặt tên này thực hiện theo đề xuất của hội đồng tỉnh Sakhalin (vùng Viễn Đông của Nga).
D.T (Tổng hợp)