Biển Đen ‘dậy sóng’, máy bay Nga bị cáo buộc đe dọa tàu Mỹ
Theo hãng tin Reuters, Danny Hernandez, phát ngôn viên bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu đưa ra 3 dẫn chứng, các phi cơ Nga gồm 2 chiếc Su-24, 1 chiếc Su-24 và IL-38 đã áp sát tàu khu trục USS Porter xảy ra trên Biển Đen hôm 10/2.
Chỉ huy tàu USS Porter cho biết chiến đấu cơ Su-24 “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” khi bay thấp với tốc độ cao, IL-38 cũng “bay thấp bất thường khi tiếp cận USS Porter”.
Tổng thống Mỹ Trump đã sớm biết Cố vấn An ninh Quốc gia của mình “đi đêm” với Nga
Hôm qua (14/2), ông Flynn đã nộp đơn từ chức sau khi việc ông thực hiện cuộc điện đàm với Đại sứ Nga Sergey Kislyak trở thành vụ bê bối lớn. Michale Flynn bị cáo buộc tiết lộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Nga ngay trước khi ông Trump nhậm chức.
Trong một diễn biến mới, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin rằng vào ngày 26/1, Tổng thống Donald Trump từng nói ông lo ngại về cách ứng xử của cố vấn Flynn. Từ đó, có nhiều khả năng ông Trump đã biết được nội tình từ 2 tuần trước.
Phó Tổng thống Mike Pence luôn tin tưởng Michale Flynn cho đến ngày 9/2 vừa qua, 2 quan chức cấp cao cho biết. Ông Pence đã bắt đầu cuộc điều tra dựa trên báo cáo của Washington Post.
Theo cố vấn Nhà Trắng Donald McGahn, ông Flynn đã không vi phạm pháp luật trong cuộc điện đàm của mình với Đại sứ Nga. Còn nếu ông thảo luận chính sách chi tiết, ông sẽ bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Logan ngăn cấm người dân thông tin, đàm phán với chính phủ các nước “đối thủ” của Mỹ.
Nga quyết không bỏ quyền kiểm soát Crimea
Ngày 15/2, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow sẽ không trao quyền kiểm soát Crimea cho Ukraine.
“Chúng tôi không trao trả lãnh thổ của mình. Crimea là phần lãnh thổ thuộc về Liên bang Nga”, bà Maria Zakharova - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói trong một buổi họp báo.
Khẳng định trên nhằm đáp trả những bình luận từ Nhà Trắng rằng Mỹ hi vọng Nga sẽ trao trả lại bán đảo ở Biển Đen này.
Cũng trong ngày 15/2, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố, bất cứ sự thảo luận nào về việc tách Crimea khỏi Nga đều là hành động xâm phạm tới chủ quyền của Nga.
Trước đó, ngày 14/2, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Donald Trump mong đợi Nga từ bỏ quyền kiểm soát với Crimea, trả lại cho Ukraine cũng như hạ nhiệt căng thẳng ở Donbass.
Tấn công bằng dao ở khu tự trị Tân Cương, 8 người thiệt mạng
Theo Vietnam+, ít nhất 8 người đã thiệt mạng, trong đó có 3 kẻ tấn công bị cảnh sát bắn hạ, và 10 người bị thương trong một vụ tấn công bằng dao nhằm vào một đám đông ở khu tự trị Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc tối 14/2.
Thông báo ngắn trên website của chính quyền thành phố Hòa Điền ngày 15/2 nêu rõ vụ tấn công xảy ra tại huyện Pishan, đồng thời gọi những đối tượng tấn công là “phần tử nổi loạn.”
Cảnh sát đã ập tới hiện trường ngay sau vụ tấn công. Hiện tình hình đã trở lại bình thường. Nhà chức trách đang tiến hành điều tra vụ việc trên.
Khu tự trị Tân Cương là nơi thường xuyên xảy ra những vụ tấn công khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành.
Tháng 8 năm ngoái, chính quyền khu tự trị Tân Cương đã ban hành luật chống khủng bố địa phương đầu tiên của Trung Quốc.
500 lính Mỹ cùng xe tăng kéo tới Romania
Theo PressTV, Mỹ đã cho 500 binh sĩ cùng xe tăng đã kéo tới Romania nhằm tăng cường phòng thủ cho thành viên đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Động thái này có thể khiến quan hệ Nga – NATO càng thêm căng thẳng.
Đại sứ Mỹ tại Romania Hans G.Klemm cho hay, binh lính sẽ đồn trú ở căn cứ không quân phía đông Romania trên cơ sở luân phiên. Ông cũng nhấn mạnh, quyết định đưa quân tới Romania nhằm “nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ” giữa hai nước “bằng cả lời nói và việc làm”.
Từ khi Nga cho sáp nhập Crimea, NATO đã tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu và giải thích đó là hành động bảo vệ châu Âu trước những mối đe dọa từ Nga. Phía Nga cũng đáp trả khi đưa quân đội và thiết bị quân sự tới Kaliningrad và chỉ trích sự tăng cường quân sự của NATO mới là mối đe dọa với Moscow.
Mỹ thừa nhận dùng đạn nhồi uranium giảm xạ cực độc ở Syria
Ngày 14/2, tờ Foreign Policy dẫn lời Phát ngôn của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) Josh Jacques thừa nhận Washington đã dùng đạn nhồi uranium giảm xạ ở Syria.
Đây là loại vũ khí hóa học bị cho là đã gây ra Hội chứng Chiến tranh vùng Vịnh với những tổn thương nặng nề cho con người sau cuộc xung đột vùng Vịnh.
Cụ thể, đội máy bay A-10 của Không quân Mỹ đã bắn 5.265 viên đạn 30mm có chứa uranium giảm xạ nhằm phá hủy xe quân sự và tàu chở dầu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại vùng sa mạc phía đông Syria trong ngày 16/11 và ngày 22/11/2015.
Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra vào ngày 16/11 ở tỉnh Deir ez-Zor. Trong vụ này, 4 máy bay Mỹ đã sử dụng 1490 viên đạn nhồi uranium giảm xạ để phá hủy 46 xe quân sự của IS.
Cuộc tấn công thứ hai xảy ra vào ngày 22/11 khi cũng 4 máy bay Mỹ đã phá hủy 293 tàu chở dầu ở sa mạc nằm giữa Deir ez-Zor và Hasakah với 3.775 viên đạn nhồi uranium giảm xạ.
D.T (Tổng hợp)