Mong muốn đánh giá công bằng
Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
ĐBQH Hồ Đức Phớc (đoàn Nghệ An) – Tổng kiểm toán Nhà nước đã giơ biển tranh luận để có ý kiến về đánh giá của Ủy ban Tư pháp đối với Kiểm toán Nhà nước. “Trong báo cáo chúng tôi thấy chưa công bằng”, ông nói.
ĐBQH Hồ Đức Phớc cho rằng, Kiểm toán Nhà nước trong thời gian vừa qua đã có những đóng góp rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, việc ngăn chặn những sơ hở trong chính sách, chẳng hạn từ BT, BOT, về đất đai, về cổ phần hóa.
“Đặc biệt, chúng tôi có văn bản đề nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước dừng chuyện không cổ phần hóa các cảng biển và sân bay. Đây cũng là một đóng góp rất lớn của kiểm toán Nhà nước”, ông minh chứng.
Cũng theo Tổng kiểm toán Nhà nước, trong ba năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã xử lý tài chính và thu vào ngân sách gấp hàng chục lần các năm trước.
Năm 2017, thu vào ngân sách Nhà nước trên 40.000 tỷ và xử lý tài chính 97.000 tỷ. Trong năm 2018 và đến nay là 10 tháng, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước như Ủy ban kiểm tra, thanh tra là công an và các bộ, ngành, ban Nội chính 103 thông báo kiểm toán. Để trên cơ sở đó, các cơ quan rà soát lại những trách nhiệm và trong đó có giám sát cũng như thực hiện công tác kiểm tra.
Ví dụ như vụ khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng của Sabeco mới khởi tố gần đây cũng do số liệu của Kiểm toán Nhà nước cung cấp cho cơ quan điều tra. Vụ Bảo hiểm xã hội vừa khởi tố, vụ ụ nổi của Vinaline cách đây mấy năm cũng đều từ kiểm toán phát triển ra, v.v...
“Chúng tôi muốn đánh giá một cách hết sức công bằng để ủng hộ cho Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện chức năng của mình. Chúng tôi không có chức năng điều tra, không có chức năng xác minh khối tư nhân, đây là một hạn chế. Hai là không có chức năng giám định tư pháp về mặt tài chính, trong luật Giám định tư pháp cũng bỏ Kiểm toán ra.
Không có chức năng trong việc xác minh trả lời tố cáo, đây là một hạn chế, khi có các vụ việc khi kiểm toán ngân sách của địa phương hoặc các bộ, ngành chúng tôi phải trao đổi với cấp ủy và lãnh đạo ở đó. Có trường hợp Tỉnh ủy, Ủy ban nói việc này để cho họ tổ chức thanh tra trở lại và xử lý.
Vì ở các tỉnh có tất cả bộ máy và thực hiện chức năng của mình thì chúng tôi cũng phải tôn trọng. Ngay cả trong luật thuế vừa rồi các đồng chí thấy cơ quan soạn thảo cũng muốn đẩy kiểm toán ra trong khi kiểm toán hàng năm đưa về cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ.
Đề nghị các đồng chí ủng hộ để Kiểm toán nhà nước hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt sắp tới sửa đổi luật Kiểm toán để có công cụ thực hiện tốt chức năng của mình.
Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tư pháp để sắp tới tăng cường công tác chuyển cho các cơ quan điều tra khi phát hiện được dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong văn bản quy phạm pháp luật vừa rồi, chúng tôi định ký với công an, thanh tra và viện Kiểm sát về thông tư liên tịch nhưng trong văn bản quy phạm pháp luật không có Kiểm toán Nhà nước nên chúng tôi không thể ký thông tư liên tịch được. Nên vấn đề hoàn thiện pháp luật để Kiểm toán Nhà nước có công cụ cũng là vấn đề quan trọng”, ĐBQH Hồ Đức Phớc nêu một loạt ý kiến.
Số vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra còn ít
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác thanh tra, kiểm toán Nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu: Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về những kết quả tích cực trong công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo báo cáo thẩm tra, công tác thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng ; đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và công khai kết luận thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), việc thực hiện quy hoạch, thu hồi đất khu đô thị mới Thủ Thiêm, cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam… đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận, cử tri cả nước.
Đặc biệt, báo cáo chỉ ra, qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm héc-ta đất ; kịp thời phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp . Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận .
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp thanh tra, kiểm toán chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, tại tọa đàm lấy ý kiến DN về điều kiện kinh doanh do bộ NN&PTNT phối hợp với phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 18/4/2018, ông Nguyễn Khánh Trình, là CEO của một chuỗi thực phẩm sạch phát biểu: “Trong 20 ngày vừa qua, tôi đã tiếp khoảng 7 đoàn thanh, kiểm tra. Chúng tôi phải lập một bộ phận tiếp đón riêng gồm 3 người”; công ty Cổ phần khách sạn Hoàng Cung trong tháng 7/2018 tiếp 6 đoàn thanh tra, kiểm tra; công ty TNHH Thương mại và Du lịch Á Đông trong 8 tháng đầu năm 2018 tiếp 4 đến 5 đoàn thanh tra, kiểm tra; công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế tiếp 6 đến 8 đoàn thanh tra, kiểm tra…
Việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít (Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 04 vụ việc sang cơ quan điều tra).
Những hạn chế trong việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác kiểm toán đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục (năm 2016, kiến nghị xử lý sai phạm 14.781,9 tỷ đồng nhưng không chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra; năm 2017 kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng nhưng cũng chỉ chuyển 02 vụ việc sang cơ quan điều tra).
Đây cũng chính là nội dung khiến Tổng kiểm toán Nhà nước - ĐBQH Hồ Đức Phớc (đoàn Nghệ An) giơ biển tranh luận sáng 13/11 để "đòi" được nhìn nhận công bằng với ngành Kiểm toán.