Thế nhưng, cho đến khi qua đời, Tống Mỹ Linh không để lại bất cứ tài sản nào dưới tên mình ngoại trừ 120 ngàn đô la Mỹ gửi trong ngân hàng. Số di sản ít ỏi này không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi: Đâu là sự thực cuối cùng về số tài sản khổng lồ của cô em út của gia tộc họ Tống nổi tiếng một thời?
Nói về ba chị em họ Tống, người Trung Quốc có một câu rất nổi tiếng, đó là: “Đại tỷ ái tài, nhị tỷ ái quốc, tam muội ái quyền” (nghĩa là cô chị cả thì yêu tiền, cô chị hai thì yêu nước còn cô em thứ ba thì yêu quyền). Thực tế, đó là một câu nói được đúc kết từ thực tiễn. Tống Ái Linh, cô chị cả trong số ba chị em nhà họ Tống lấy Bộ trưởng Bộ Tài chính của Quốc Dân đảng, làm sao không yêu “tài”?
Người chị thứ hai, Tống Khánh Linh, bất chấp sự phản đối của gia đình theo Tôn Trung Sơn, vị lãnh tụ cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc, cả đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, làm sao không yêu nước? Còn cô em út Tống Mỹ Linh là vợ của tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch, làm sao không phải là yêu quyền? Ba chị em họ Tống, mỗi người một tính cách và họ tự chọn cho mình một con đường riêng.
Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch
Trong số ba chị em nổi tiếng này, người em út Tống Mỹ Linh là người sống thọ nhất. Tống Mỹ Linh sinh năm 1897 và mất năm 2003, thọ tới 106 tuổi. Cuộc đời trải dài qua cả ba thế kỷ, thế nhưng, cho tới tận khi qua đời, Tống Mỹ Linh không hề để lại bất cứ một dòng hồi ức hay tự truyện nào.
Khi Tống Mỹ Linh còn sống, nhiều người khuyên bà nên viết tự truyện hay hồi ức để kể lại những gì bà đã trải qua nhưng Tống Mỹ Linh đều tìm cách từ chối. Tống Mỹ Linh không có con. Ở Đài Loan cũng như nước Mỹ, nơi bà sống những năm cuối đời, Tống Mỹ Linh không để lại bất cứ sản nghiệp nào.
Sau khi Tống Mỹ Linh qua đời, Khổng Lệnh Nghi - con gái cả của chị gái Tống Ái Linh, người chăm sóc Tống Mỹ Linh những năm cuối đời tại Mỹ - đã nói rằng cho tới lúc chết, Tống Mỹ Linh chỉ để lại 120 ngàn đô la Mỹ tiền tiết kiệm. Sinh ra trong một gia đình thương gia, là “đệ nhất phu nhân” của chính quyền Trung Hoa Dân quốc, số gia sản ít ỏi mà Khổng Lệnh Nghi tiết lộ khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ. Vậy, đâu mới là sự thực về số gia sản bí ẩn của người phụ nữ từng được gọi là “nữ triệu phú” thời Dân quốc Tống Mỹ Linh này?
Thừa kế được đầu óc kinh doanh cũng như những phương pháp làm ăn, tích lũy tài sản từ người cha thương nhân của mình, Tống Mỹ Linh hơn ai hết là người rất hiểu mối quan hệ giữa tiền bạc và quyền lực của người Trung Quốc. Khi còn trẻ, Tống Mỹ Linh đã thể hiện rõ ham muốn chính trị và quyền lực của mình và đã tìm mọi cách để đạt được mục đích.
Sau khi kết hôn với Tưởng Giới Thạch vào tháng 12 năm 1927, Tống Mỹ Linh đảm nhiệm vai trò là thư ký và phiên dịch tiếng Anh cho chồng, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực ngoại giao. Bà là người đã giới thiệu cho Tưởng rất nhiều điều về văn hóa và chính trị của người phương Tây, khuyến khích Tưởng thân Mỹ.
Sau khi kết hôn, Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch hoàn toàn độc lập về kinh tế, thực hiện theo chế độ “chia đôi toàn bộ” của người Mỹ. Vào năm 1927, Tống Mỹ Linh có một căn phòng riêng thuộc tô giới của người Pháp, là của hồi môn khi bà kết hôn với Tưởng Giới Thạch. Tới năm 1949, căn phòng này bị chính quyền Trung Quốc tịch thu, song cho tới nay nó vẫn tồn tại.
Trong một thời gian dài, bà đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ và các tổ chức xã hội nên nguồn thu nhập rất phong phú. Chẳng hạn như vào năm 1929, Tống Mỹ Linh đảm nhiệm chức hiệu trưởng của “trường quý tộc” dành cho con cháu các quan chức lãnh đạo của Quốc dân đảng. Khi Tưởng Giới Thạch thực hiện cuộc vận động lối sống mới, Tống Mỹ Linh đã trở thành người tổ chức và chủ trì Hội đồng cố vấn phụ nữ vận động lối sống mới.
Tới năm 1936, bà giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hàng không Trung Quốc, tích cực tham gia xây dựng, mở rộng không quân của Quốc dân đảng. Bà còn từng đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Trung Hoa, sau đó giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Phụ Nhân, Chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm phục hồi sức khỏe Chấn Hưng, ủy viên thường trực Hội đồng quản lý bảo tàng Cố Cung...
Ngày 26/12/1934, tờ “Giang Nam chính báo” đăng một tin ngắn nói về tài sản của vợ chồng Tống Mỹ Linh, trong đó ước đoán tài sản của Tưởng Giới Thạch là 1.300 vạn đồng bạc, của Tống Mỹ Linh là 3.500 vạn đồng bạc. Một đồng bạc lúc đó tương đương 60 NDT bây giờ. Nếu như tin tức trên là đúng thì tài sản lúc bấy giờ của Tống Mỹ Linh tương đương với 2,1 tỷ NDT hiện nay, gấp hai lần rưỡi gia tài của Tưởng Giới Thạch. Số liệu nói trên được lấy từ nhật ký của Thái Nguyên Bồi - một nhân sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Vì vậy, nhiều người tin chắc rằng số liệu này hoàn toàn có thật.
Ngày 17/10/1939, trong bản báo cáo của mật vụ Nhật Bản về số tài sản gửi tại ngân hàng nước ngoài tại Thượng Hải của các quan chức cao cấp của Quốc dân đảng, có thống kê: Tưởng Giới Thạch có 66,39 triệu tệ (theo tỷ giá lúc bấy giờ vào khoảng 8 triệu đô la Mỹ), Tống Mỹ Linh có 30,94 triệu tệ (tương đương khoảng 3,77 triệu đô la Mỹ). Vào thời điểm lúc bấy giờ, quân Nhật đã xâm chiếm gần một nửa Trung Quốc, chính quyền Quốc dân đảng đã chuyển về Trùng Khánh.
Vì vậy, báo cáo này không phải không có chỗ đáng tin cậy. Như vậy, vào thời điểm này, số tài sản cá nhân của Tống Mỹ Linh chỉ bằng một nửa của Tưởng Giới Thạch. Tới tháng 12/1942, chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Nhật Bản tiếp quản ngân hàng ngoại quốc ở Thượng Hải, đồng thời tịch thu luôn toàn bộ số tài sản mà những lãnh đạo cao cấp của Quốc dân đảng gửi tại đây.
Dựa trên các chứng cứ sử liệu, tờ “Nhân dân nhật báo” của Trung Quốc số ra ngày 8/1/1990 có nói, vào năm 1949, trước khi rút lui khỏi đại lục, Quốc dân đảng đã vận chuyển ba chuyến vàng bạc và tiền ra đảo Đài Loan, bao gồm 2,77 triệu lạng vàng và 1,52 triệu tiền mặt. Căn cứ theo hồi kỳ của Lý Tông Nhân thì báo cáo mật của Ủy ban tài chính của Viện giám sát cho biết, tổng số tiền vàng trong ngân khố quốc gia của Quốc dân đảng vào khoảng 350 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, đó là tính theo giá cả thị trường công khai của Trung Quốc, chứ tính theo tỉ giá nước ngoài thì không tới được con số đó.
Trong ngân khố quốc gia (Quốc dân đảng) có 390 ounce vàng, 70 triệu đô la và một lượng bạc trị giá 70 triệu đô la. Như vậy, tổng cộng ngân khố quốc gia có khoảng 500 triệu đô la. Vì vậy, nếu như có người nói rằng, tài sản cá nhân của Tống Mỹ Linh phải vào khoảng 250 triệu đô la Mỹ, tương đương với một nửa ngân khố quốc gia của Quốc dân đảng là chuyện phóng đại, hoàn toàn không đáng tin cậy.
Tháng 11 năm 1948, khi cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới hồi kết với sự thất bại thấy rõ của Quốc dân đảng, Tống Mỹ Linh đã một mình bay sang Mỹ để tìm sự cứu trợ. Tuy nhiên, đệ nhất phu nhân của Trung Hoa Dân quốc chỉ nhận được sự tiếp đón lạnh nhạt của đương kim tổng thống Mỹ khi đó là Truman. Thực tế thì vào thời điểm này, Truman đã hoàn toàn mất lòng tin cũng như hy vọng vào chiến thắng của Quốc dân đảng. Trước mặt những trợ thủ của mình, Truman sẵn sàng bàn tới những “kẻ tham quan và khốn nạn” trong chính phủ Quốc dân đảng.
Một ví dụ điển hình chính là hai gia tộc Khổng - Tống. Trong thời kỳ chiến tranh với Nhật, họ đã lợi dụng vào viện trợ của Mỹ, bán ngược lại những vật tư thiết bị Mỹ cung cấp để mưu lợi riêng cho mình. Cho tới thời kỳ nội chiến, họ nhiều lần vươn tay tới chính phủ Mỹ, lôi kéo được một số lượng lớn đô la đầu tư vào công ty của mình. Khi Quốc dân đảng sắp thất bại, họ nhanh chóng chuyển toàn bộ tài sản của mình ra nước ngoài, đặc biệt là tới Mỹ… Với tất cả những việc đó, Truman làm sao có thể không cảm thấy giận dữ với chính quyền của Tưởng Giới Thạch?
Có tài liệu từng khẳng định rằng, hai gia đình Khổng - Tống mà đứng đầu là Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn (em trai của ba chị em họ Tống) trong suốt 40 năm đã lợi dụng những vật tư cũng như tiền bạc của Mỹ viện trợ, thông qua con đường bí mật của mình tiến hành đầu cơ ngay tại Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ sau đó điều tra ra rằng Khổng và Tống đã trốn thuế hàng triệu đô la Mỹ và ngay lập tức báo cáo với Truman.
Sau đó, Cục tình báo Trung ương và Bộ Tài chính Mỹ đã phối hợp điều tra, kết quả xác minh rằng, số tài sản bất hợp pháp và không rõ nguồn gốc ở Mỹ lên tới 2 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra, trong số tài sản này một phần lớn là những thứ đồ cổ, tranh vẽ, châu báu và vàng… bị đóng băng trong các kho bảo hiểm của ngân hàng. Không loại trừ nghi ngờ rằng một phần không nhỏ số tài sản này là của những cán bộ chóp bu của Quốc dân đảng mà hai gia tộc Khổng - Tống chỉ là những người nổi bật nhất.
Tuy nhiên, bất chấp thái độ của vị tổng thống Mỹ có ra sao, gia tộc Khổng – Tống vẫn phải tìm đường sống cho mình trước.
Kỳ 2: Nguyên nhân Tống Mỹ Linh khánh kiệt vào cuối đời
> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa
Nam Hoài
* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.