Ngày 11/9, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị giao ban công tác tháng 8/2023 để bàn về kết quả công tác thuế tháng 8 và 8 tháng năm 2023, đồng thời đề ra những nhóm nhiệm vụ tập trung triển khai trong những tháng cuối năm 2023.
Thu ngân sách 8 tháng năm 2023 bằng 93,9% so với cùng kỳ
Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 8/2023 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 75.000 tỷ đồng, đạt 5,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 71,1% so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 962.097 tỷ đồng, bằng 70,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 93,9% so với cùng kỳ.
Có 14/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 68%); Có 06/20 khoản thu đạt dưới mức 68%; Có 14/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ; Có 6/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ (Thuế bảo vệ môi trường ước bằng 67,7%; Lệ phí trước bạ ước bằng 71,3%; Thu tiền sử dụng đất ước bằng 42,3%; Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước bằng 61,1%); Có 27/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt cao hơn 68%; Có 36/63 địa phương tiến độ thu đạt thấp (dưới 68%).
Về công tác quản lý hoàn thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn, đồng thời đẩy mạnh kiểm soát công tác hoàn thuế GTGT đảm bảo hoàn thuế chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
8 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã thực hiện hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 87.191 tỷ đồng, bằng 46,9% dự toán hoàn thuế GTGT năm 2023 đã được Quốc hội thông qua (186.000 tỷ đồng), bằng 90% cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết tháng 8 năm 2023, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 38.866 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 48,5% kế hoạch năm 2023 và bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 393.280 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 85,3% cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 39.748 tỷ đồng bằng 102,9% cùng kỳ năm 2022.
Tổng số tiền thuế nợ ngành Thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 8/2023 là 153.693 tỷ đồng, tăng 1,6% so với thời điểm ngày 31/7/2023, tăng 4% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Lũy kế tính đến cuối tháng 8/2023 ước thu được 30.108 tỷ đồng
Kết quả thực hiện xử lý nợ từ khi Nghị quyết số 94/2019/QH14 có hiệu lực đến hết tháng 7/2023 ước đạt 37.059 tỷ đồng. Trong đó: Xử lý khoanh nợ tiền thuế là 28.983 tỷ đồng; Xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 8.076 tỷ đồng.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang khẩn trương tổng hợp, chuẩn bị tài liệu để báo cáo Tổng kết việc thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội.
Triển khai công tác quản lý thuế điện tử
Tổng số lượng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã tiếp nhận và xử lý ước đạt trên 4,9 tỷ hóa đơn, trong đó có trên 1,5 tỷ đồng hóa đơn có mã; trên 3,5 tỷ hóa đơn không mã. Có 30.058 DN, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn có mã khởi tạo từ máy tính tiền ước đạt 21,29 triệu hóa đơn.
Đến nay, 100% Cục Thuế đã hoàn thành việc tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn. Tính đến hết ngày 16/8/2023 đã có 49/63 Cục Thuế đã tổ chức lựa chọn “Hoá đơn may mắn” của kỳ quay thưởng Quý II/2023. Theo đó, đã lựa chọn được 6.661 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng đạt 15,5 tỷ đồng.
Đối với việc triển khai dịch vụ đăng ký, nộp thuế điện tử qua ứng dụng Etax Mobile đã có 527.618 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile với 558.098 giao dịch với tổng số tiền đã nộp thành công 1.759,4 tỷ đồng
Việc chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT”, cơ quan thuế các cấp đang tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành HĐĐT, giúp ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ nói riêng và về thuế nói chung góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng cho cộng đồng DN và NNT.
Bên cạnh đó, công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử đã có những kết quả như: hiện đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN. tổng số thuế các NCCNN đã khai. nộp là 5.803 tỷ đồng; Đối với Cổng tiếp nhận thông tin TMĐT trong nước đã có 347 sàn TMĐT gửi dữ liệu cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2023
Thứ nhất, tiếp tục bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN trong tháng 09/2023.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các NCCNN: Kịp thời giải quyết các vướng mắc để NCCNN thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; Đề xuất các nội dung nâng cấp cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài báo cáo Tổng cục Thuế và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 của cơ quan Tổng cục Thuế đã được phê duyệt và Kế hoạch kiểm tra chuyên đề năm 2023 của cơ quan Tổng cục Thuế.
Thứ tư, về công tác xây dựng VBQPPL, trong quý III/2023 tập trung hoàn thiện: Đề án “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu của OECD (Trụ cột II)”; Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2022 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ; Nghiên cứu rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật liên quan tới công tác hoàn thuế GTGT tại các Luật, Nghị định, Thông tư và đề xuất phương án để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyển xem xét, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ năm, chủ động hơn nữa trong công tác tuyên truyền về các quy định pháp luật thuế hiện hành, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuế; thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; tiếp tục triển khai HĐĐT từ máy tính tiền; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; chính sách hỗ trợ NNT theo chương trình của Chính phủ, công tác hoàn thuế GTGT, công tác chống gian lận HĐĐT, công tác thu ngân sách nhà nước...
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống HĐĐT. Đảm bảo hệ thống CNTT thông suốt 24/7 để hỗ trợ NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai theo tiến độ các đề án điện tử hóa như: dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ, cá nhân kinh doanh; tiếp tục triển khai khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy; thí điểm khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà; đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ tra cứu, đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế là cá nhân, đặc biệt là tập trung tuyên truyền, phổ biến sử dụng ứng dụng Etax Mobile; nghiên cứu phương án kết nối với các ngân hàng thương mại để có đầy đủ dữ liệu về người nộp thuế, đảm bảo kiểm soát đầy đủ thu nhập, nghĩa vụ thuế, tránh thất thu NSNN.
Thứ tám, tiếp tục chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ, triển khai thành công HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền giai đoạn 2 trên toàn quốc.
Thứ chín, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về HĐĐT, gian lận hoàn thuế GTGT,... nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Thứ mười, tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2023- 2025 đã được phê duyệt tại các Quyết định của Bộ Tài chính; Hoàn thiện xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hoạt động quản lý thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Thứ mười một, tiếp tục bám sát và đôn đốc triển khai tốt Ứng dụng Bản đồ số về quản lý hộ kinh doanh giai đoạn 1; thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để hoàn thiện, triển khai giai đoạn 2 theo lộ trình đã đề ra. Tiếp tục nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bản đồ số về mỏ khoáng sản, Bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản, ... nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu ngân sách.
Thứ mười hai, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra, rà soát các tờ khai, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế GTGT; khẩn trương xây dựng và ban hành bộ tiêu chí rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và nâng cấp ứng dụng để phân loại tự động đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm trước đảm bảo thời hạn triển khai; hoàn thiện ứng dụng CNTT, đảm bảo hỗ trợ tối đa công tác giải quyết hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế theo Quy trình hoàn thuế mới ban hành theo Quyết định số 679/QĐ-TCT ngày 31/5/2023 của Tổng cục Thuế.
Thứ mười ba, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước; Khẩn trương ban hành Quy trình khai thác thông tin trên Cổng thông tin TMĐT để vận hành hiệu quả Cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, khai thác tăng thu cho NSNN.
Tuệ Minh