Ngày 9/5, Tổng thống Angola Joao Lourenco đã sa thải toàn bộ Hội đồng quản trị của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Angola (Sonangol EP), trong đó có Chủ tịch tập đoàn này là Carlos Saturnino.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, quyết định gây chấn động ngành dầu khí Angola được Tổng thống Lourenco đưa ra trong bối cảnh quốc gia châu Phi này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng, mặc dù Angola là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 của châu Phi.
Cùng với việc sa thải ban lãnh đạo cũ, Tổng thống Angola cũng quyết định bổ nhiệm Hội đồng quản trị mới của Sonangol do ông Sebastiao Gaspar Martins làm Chủ tịch. Như vậy, đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy hai năm qua, Tổng thống Lourenco quyết định thay đổi nhân sự cao cấp của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Angola.
Tuần trước, Sonangol cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhiên liệu tại Angola là do khó khăn về ngoại tệ để chi trả cho lượng xăng dầu nhập khẩu. Angola phải nhập khẩu hơn 80% tổng nhu cầu xăng dầu do nước này chưa đủ năng lực hóa dầu.
Công ty dầu khí quốc gia Sonangol từng là lực đẩy chính của nền kinh tế Angola. Tuy nhiên, cuối năm 2018, Sonangol đã phải vay 1 tỷ USD để thực hiện việc tái cơ cấu.
Khó khăn tài chính của Sonangol phần nào phản ánh tình hình kinh tế Angola vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do giá dầu mỏ giảm đáng kể từ giữa năm 2014, cũng như sản lượng dầu mỏ giảm liên tục.
Theo S&P Global Platts, sản lượng dầu thô của Angola vào tháng 4 vừa qua ở mức 1,44 triệu thùng/ngày, so với mức 1,76 triệu thùng/ngày vào năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm sản lượng là do thiếu đầu tư và ưu đãi mới.
Theo Vietnam+