Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đang trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ với đối tác thương mại hàng đầu của đất nước mình, và truyền bá thông điệp rằng “Brazil đã trở lại” với tư cách một người chơi quan trọng trên sân khấu toàn cầu.
Hôm 13/4, trong khi đang ở Thượng Hải, ông Lula da Silva đã chỉ trích vai trò quá lớn của đồng USD trong nền kinh tế thế giới.
Trước thềm chuyến thăm của ông Lula, Brazil và Trung Quốc đã công bố một thỏa thuận về giao dịch bằng đồng tiền của chính nước họ, nhằm loại bỏ đồng USD khỏi vai trò trung gian.
“Tại sao mọi quốc gia phải gắn liền với đồng USD để giao dịch?... Ai đã quyết định đồng USD sẽ là tiền tệ (của thế giới)?”, ông Lula đặt câu hỏi khi phát biểu tại Thượng Hải trong buổi lễ nhậm chức của bà Dilma Rousseff với tư cách Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) thành lập, còn được gọi là Ngân hàng BRICS.
Bà Rousseff là cựu Tổng thống Brazil (2011-2016) và một đồng minh chính trị của ông Lula.
“Tại sao một ngân hàng như Ngân hàng BRICS lại không thể có đồng tiền để tài trợ cho thương mại giữa Brazil và Trung Quốc, giữa Brazil và các nước BRICS khác?... Ngày nay, các nước phải chạy theo đồng USD để xuất khẩu, trong khi họ có thể xuất khẩu bằng đồng tiền của chính mình”, ông Lula nói tiếp.
Ngân hàng của Nam Bán cầu
Được thành lập vào tháng 12/2014 để mở rộng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các nước BRICS và các nền kinh tế mới nổi khác, NDB hiện có khoảng 32 tỷ USD cho các dự án đã được phê duyệt. Trong bài phát biểu dài 15 phút, nhà lãnh đạo Brazil cho rằng NDB hội đủ các điều kiện để trở thành ngân hàng lớn của Nam Bán cầu.
Khi nhấn mạnh vai trò của NDB, ông Lula cho biết: “Lần đầu tiên, một ngân hàng phát triển có tầm hoạt động toàn cầu được thành lập mà không có sự tham gia của các nước phát triển trong giai đoạn đầu. Do đó, nó thoát khỏi những xiềng xích và điều kiện do các thể chế truyền thống áp đặt lên các nền kinh tế mới nổi. Và hơn thế nữa, nó có khả năng tài trợ cho các dự án bằng các đồng nội tệ”.
Trong bài phát biểu, vị chính trị gia kỳ cựu thuộc cánh tả cũng chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cáo buộc tổ chức tài chính đa phương này “bóp nghẹt” nền kinh tế của một số quốc gia, ám chỉ việc IMF buộc các quốc gia đang mắc nợ như nước láng giềng của Brazil là Argentina phải mạnh tay siết chặt chi tiêu công đổi lấy các khoản vay cứu trợ.
“Không ngân hàng nào nên bóp nghẹt nền kinh tế của các quốc gia như cách IMF đang làm với Argentina hiện nay, hoặc cách họ đã làm với Brazil trong một thời gian dài và mọi quốc gia thuộc thế giới thứ ba”, Tổng thống Lula da Silva nói. “Không nhà lãnh đạo nào có thể làm việc khi bị kề dao vào cổ chỉ vì (đất nước của họ) thiếu nợ”.
Argentina đang phải đối mặt với lạm phát hàng năm trên 100%, làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế được cho là sẽ rơi vào suy thoái trước cuộc bầu cử Tổng thống của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai Nam Mỹ vào tháng 10 tới.
Tháng trước, ban điều hành của IMF đã phê duyệt khoản giải ngân trị giá 5,4 tỷ USD cho Argentina, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình đang đối mặt với rủi ro ngày càng cao trong bối cảnh triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi.
Thỏa thuận này là chương trình thứ 22 của IMF dành cho Argentina. Người phát ngôn của IMF không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận, Bloomberg cho biết.
“Brazil đã trở lại!”
Ông Lula da Silva, nhậm chức Tổng thống vào tháng 1, đang tìm cách tái định vị Brazil như một trung gian toàn cầu, tìm kiếm các mối quan hệ thân thiện trên mọi mặt sau 4 năm quốc gia Nam Mỹ tương đối bị cô lập dưới thời người tiền nhiệm cực hữu Jair Bolsonaro.
Tổng thống Brazil dự kiến sẽ tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 14/4. Trước đó, hồi tháng 2, ông cũng đã đến Washington gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Brazil đã trở lại!”, ông Lula tuyên bố khi đang ở Thượng Hải. “Khoảng thời gian Brazil vắng mặt trong các quyết định lớn của thế giới đã là quá khứ. Chúng tôi đã trở lại đấu trường quốc tế sau một thời gian vắng mặt không thể giải thích được”.
Một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự khi ông Lula và ông Tập hội đàm trong ngày 14/4 dự kiến sẽ là về xung đột Nga-Ukraine. Cả Trung Quốc và Brazil đều định vị bản thân đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột, bất chấp những lo ngại của phương Tây rằng họ quá thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cả Brazil và Trung Quốc đều từ chối tham gia cùng các quốc gia phương Tây trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì chiến dịch của Moscow ở Ukraine.
Quan hệ thương mại
Chuyến đi tới Thượng Hải của ông Lula nêu bật một mục tiêu quan trọng khác của chuyến thăm Trung Quốc: Tăng cường quan hệ thương mại giữa gã khổng lồ châu Á và nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Brazil, với hàng chục tỷ USD đậu nành, thịt bò và quặng sắt.
Theo thỏa thuận tiền tệ được công bố vào tháng 3, Brazil và Trung Quốc đã chỉ định hai ngân hàng – một ngân hàng ở mỗi quốc gia – thực hiện các giao dịch tài chính và thương mại lớn bằng cách đổi trực tiếp đồng Nhân dân tệ lấy đồng Real Brazil và ngược lại, thay vì thông qua đồng USD. Trung Quốc có các thỏa thuận tương tự với Nga, Pakistan và một số quốc gia khác.
Sau lễ nhậm chức của bà Rousseff, ông Lula đã đến thăm một trung tâm nghiên cứu do gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei điều hành. Chủ tịch Huawei đã cùng ông đi qua một cuộc triển lãm giới thiệu sự hiện diện rộng rãi của công ty ở Brazil – một sự tương phản với Mỹ, nơi Huawei bị “cấm cửa”.
Ông Lula cũng đã gặp người đứng đầu nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc là BYD. Gã khổng lồ xe điện Trung Quốc cho biết hồi tháng 10 năm ngoái rằng họ có kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất xe ở bang Bahia ở miền Bắc Brazil sau khi Ford Motors của Mỹ đóng cửa nhà máy ở đó. BYD đã sản xuất xe buýt và ô tô điện ở Brazil cho thị trường Mỹ Latinh.
Ông Lula, người trước đây đã lãnh đạo Brazil từ năm 2003 đến 2010, đang tìm cách xoa dịu mối quan hệ với Trung Quốc, sau khi mối quan hệ xấu đi dưới thời ông Bolsonaro.
Vị Tổng thống 77 tuổi ban đầu dự kiến thực hiện chuyến đi vào cuối tháng 3, nhưng đã phải hoãn lại vì bị viêm phổi.
Minh Đức (Theo AFP/France24, Bloomberg, Merco Press)