Ngày 30/11, Tổng giám đốc Jean Shen của Cục Hàng không Dân sự Đài Loan (CAA) tuyên bố, Đài Loan đồng ý “nộp” kế hoạch bay cho Trung Quốc để đảm bảo an ninh chứ không phải vì vấn đề chủ quyền.
Tổng giám đốc CAA của Đài Loan Jean Shen phát biểu tại Viện Lập pháp Đài Loan.
Bà Shen cho biết, mỗi ngày, Đài Loan có khoảng 100 chuyến bay hoạt động trên 7 tuyến đường qua vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc vừa đơn phương tuyên bố trên biển Hoa Đông. CAA sẽ thay mặt các hãng hàng không Đài Loan trình kế hoạch bay cho Trung Quốc, gồm cả các chuyến bay nội địa và quốc tế.
Ông Mã Anh Cửu - Tổng thống Đài Loan đã lên tiếng kêu gọi các nước có liên quan cùng bày tỏ mối quan ngại về vùng ADIZ mà Bắc Kinh vừa đơn phương tuyên bố áp đặt ở Hoa Đông hôm 23/11.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu kêu gọi các nước kiềm chế hành động.
Tuy nhiên ông cũng kêu gọi các bên "ngồi vào đàm phán song phương với Trung Quốc" để "khôi phục trật tự khu vực".
Tại lễ kỷ niệm 70 năm Tuyên bố Cairo tổ chức ở Đài Bắc, ông Mã Anh Cửu phát biểu: “Tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế hành động có thể làm gia tăng căng thẳng ở Hoa Đông và nhanh chóng tổ chức các cuộc đối thoại song phương với Trung Quốc về các vấn đề có liên quan, bao gồm ADIZ để khôi phục trạng thái hòa bình, hợp tác trên biển Hoa Đông”.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ bỏ qua yêu cầu của Bắc Kinh, các hãng hàng không dân dụng 2 nước này vẫn qua lại không phận quốc tế Hoa Đông một cách bình thường mà không "xin phép” Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ ngoại giao Mỹ hôm 27/11 cho biết "chính phủ Mỹ hy vọng rằng các hãng vận tải của Mỹ đang hoạt động trong khu vực quốc tế tuân thủ quy định của các quốc gia khác".
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận vùng ADIZ của Trung Quốc, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Thùy Ngân