Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines tiếp tục cho thấy nước này muốn xoay trục sang Trung Quốc.
Trong những phiên họp Nhà nước gần đây, nhà lãnh đạo Philippines liên tục đả kích các nước phương Tây, cụ thể là Liên minh châu Âu và Mỹ, vì đã chỉ trích chiến dịch càn quét ma túy gây tranh cãi của ông.
Trong hai tháng qua, Lầu Năm Góc đã cung cấp sự hỗ trợ rất cần thiết cho Manila trong cuộc chiến chống khủng bố căng thẳng ở nước này.
Cụ thể Mỹ đã mang đến những chiến đấu cơ và cử Lực lượng đặc biệt tới thành phố Marawi, bên cạnh việc cung cấp vũ khí miễn phí. Tuy nhiên, dường như Tổng thống Duterte quan tâm nhiều hơn đến việc củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh.
“Nếu chúng ta có thể nhận được một điều gì đó mà không gặp rắc rối thì tại sao không làm như vậy nhỉ?”, Tổng thống Duterte giải thích, nhắc lại cam kết của mình trong việc tránh những căng thẳng với Bắc Kinh bằng mọi giá.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Philippines đã đưa một câu chuyện mà trong đó Philippines được cho là chọn đàm phán các điều khoản cùng có lợi với Bắc Kinh.
Ở phía ngược lại, Trung Quốc đang hướng tới việc khai thác các mỏ tài nguyên vốn nằm trong khu vực EEZ (khu đặc quyền kinh tế) của Philippines mà trong đó lấy một cái cớ nguy hiểm rằng đây là nơi trùng với “đường chín đoạn” phi pháp mà nước này tự vẽ ra ở Biển Đông.
Vào giữa những năm 2000, Tổng thống Philippines Gloria Arroyo, người hiện đang là cố vấn chính sách đối ngoại của ông Duterte, đã ký một thỏa thuận với Bắc Kinh về đầu tư dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc ở vùng biển Philippines.
Tuy nhiên, dưới sức ép của giới chính trị trong nước, các điều khoản bí mật gây tranh cãi với Bắc Kinh đã bị từ chối gia hạn sau ba năm.
Song, các nhà phân tích cho rằng nguyện vọng của giới lãnh đạo Manila trong việc từ bỏ giá trị cốt lõi để hướng tới Bắc Kinh sẽ khó thành công.
Bởi lẽ, nó có khả năng vi phạm cả hiến pháp của Philippines lẫn phán quyết mà Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (PCA) đưa ra năm ngoái.
Hiến pháp năm 1987 của Philippines đang trở thành rào cản ngăn lại tham vọng của Trung Quốc trong việc tự tuyên bố chủ quyền của mình nằm trong vùng biển Philippines.
Trong đó, Hiến pháp Philippines quy định mọi hoạt động liên doanh cần phải do Chính phủ Philippines và một công ty Philippines nắm giữ phần lớn quyền quyết định.
Hơn nữa, phán quyết PCA trên Biển Đông đã khẳng định rõ Trung Quốc và Philippines không có EEZ chồng chéo, Bắc Kinh không thể tự tung tự tác trong vùng biển Philippines và tự nhận đó là vùng biển của mình.