"Kỳ phùng địch thủ"?
Cuộc khẩu chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang trở nên nghiêm trọng chưa từng có trong vài năm trở lại đây.
Bạo lực dọc theo hàng rào biên giới Gaza đã khiến cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không thể im lặng và đưa ra những chỉ trích thẳng thắn đối với Tel Aviv.
Tuy nhiên, lần này, ông phải đối mặt với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người cũng cho thấy sự cứng rắn không hề kém cạnh.
Sau cáo buộc các binh sĩ Israel đã giết hàng chục người Palestine ở Gaza vào ngày 14/5, Ankara đã triệu hồi đại sứ ở Israel trở về nước, đồng thời tuyên bố Israel là "một nhà nước khủng bố".
Không ngần ngại, Thủ tướng Netanyahu trả lời trên Twitter: "Erdogan là một trong những người ủng hộ lớn nhất của Hamas và không ngạc nhiên khi ông ấy hiểu rõ về khủng bố và tàn sát. Tôi đề nghị ông ấy không nên truyền giảng đạo đức cho chúng tôi. ”
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức phản bác: “Netanyahu là Thủ tướng của một Nhà nước phân biệt chủng tộc”.
Thủ tướng Israel đáp trả: “Một người đàn ông có bàn tay vấy máu bởi vô số người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không phải là kẻ dạy chúng ta cái gọi là phân biệt chủng tộc”.
Ngay sau đó Tổng thống Erdogan nêu quan điểm của mình rằng: “Hamas không phải là một tổ chức khủng bố, và người Palestine không phải là những kẻ khủng bố”.
Không chỉ dừng lại ở khẩu chiến đơn thuần. Sau phản ứng đầu tiên của ông Netanyahu, Ankara đã ra lệnh cho đại sứ Israel tại Thổ Nhĩ Kỳ, Eitan Na'eh, rời đi trong vòng 24 giờ.
Sau đó, Israel trục xuất lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Jerusalem, người chịu trách nhiệm về quan hệ với người Palestine. Tổng thống Erdogan phản đối lại bằng cách trục xuất lãnh sự Israel tại Istanbul.
Đồng loạt các nhân vật chính trị lớn ở Israel tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa khi gọi thỏa thuận hòa giải Israel-Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 là "sai lầm ngoại giao". Trong khi đó ở Thổ Nhĩ Kỳ, các đảng đối lập yêu cầu Erdogan cắt đứt quan hệ với Tel Aviv.
Những ngọn lửa âm ỉ
Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Israel với Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa bùng cháy sau những tàn dư âm ỉ từ sự cố con tàu Mavi Marmara năm 2010.
Phải mất 6 năm với những nỗ lực rất lớn, bao gồm cả sự can thiệp của Tổng thống Barack Obama, trước khi hai bên ngồi với nhau ký thỏa thuận hoà giải vào tháng 6/2016.
Chính quyền của Thủ tướng Netanyahu hiện đang bước vào giai đoạn thắng lợi với sự hỗ trợ lớn và tuyệt đối từ Mỹ, cùng sự ủng hộ hậu trường từ nhiều quốc gia Ả Rập trong liên minh Sunni và hầu như không có bất kỳ xung đột nội bộ nào trong nước.
Tuy nhiên, những tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến cho tình hình trở nên căng thẳng hơn. Nhà lãnh đạo Israel có thể vẫn chưa xác định được rằng, việc cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ có phải là lựa chọn đúng đắn của Israel trong lúc này.