Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ từ ngày 26/4.
Theo thư ký cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc về quan hệ công chúng, ông Yoon sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên của “xứ sở kimchi” thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ trong 12 năm qua và là Nguyên thủ Quốc gia thứ hai trên thế giới có chuyến thăm như vậy tới Mỹ kể từ khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng, sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trong chuyến thăm Mỹ lần này, tập trung vào hợp tác kinh tế và đảm bảo chuỗi cung ứng ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn đối với các mặt hàng như chất bán dẫn, hơn 100 giám đốc điều hành từ các công ty hàng đầu của Hàn Quốc có kế hoạch tham gia cùng Tổng thống Yoon.
Ông Choi Sang-mok, Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc, nói với các phóng viên hôm 19/4 rằng tổng cộng 122 đại diện từ các công ty bao gồm Chủ tịch điều hành Samsung Electronics Co. Jay Y. Lee và Chủ tịch điều hành của Hyundai Motor Co. Euisun Chung, sẽ tham gia phái đoàn.
Đây là nhóm doanh nghiệp lớn nhất tham gia cùng ông Yoon trong một chuyến công du nước ngoài kể từ khi ông nhậm chức khoảng một năm trước, ông Choi cho biết.
Theo vị cố vấn, chuyến thăm sẽ rất quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Yoon sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 26/4 và có bài phát biểu tại Đại học Harvard ở Massachusetts.
Chuyến đi sẽ là một bài kiểm tra khó khăn đối với Tổng thống Yoon khi đất nước ông phụ thuộc vào Mỹ với tư cách đồng minh an ninh chính, đồng thời cũng dựa vào Trung Quốc với tư cách đối tác thương mại lớn nhất.
Chính quyền Biden đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đối tác toàn cầu của mình để áp đặt các biện pháp hạn chế sâu rộng đối với việc bán thiết bị chip tiên tiến cho Trung Quốc.
Hai gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc Samsung và SK Hynix đã giành được quyền miễn trừ 1 năm đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng của Mỹ được công bố vào tháng 10 năm ngoái. Điều đó nghĩa là họ vẫn có thể nhập khẩu trang thiết bị chip bán dẫn cho nhà máy của mình tại Trung Quốc mà không phải trình Chính phủ Mỹ cấp phép với mỗi đơn hàng.
Nhưng nếu không được gia hạn miễn trừ trên, không rõ Samsung và SK Hynix Inc. sẽ làm như thế nào vì cả hai doanh nghiệp đều phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách một thị trường trọng điểm và là nơi sản xuất chip nhớ của họ.
“Chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc với trọng tâm là sự ổn định, các quốc gia đồng minh và công nghệ tiên tiến”, ông Choi cho biết. Chính phủ của Tổng thống Yoon ủng hộ chiến lược châu Á của chính quyền Biden, bao gồm cả sáng kiến của Mỹ nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mỹ cũng đang tìm cách xoa dịu những lo ngại của Hyundai Motor đối với các phần về năng lượng và khí hậu trong Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của ông Biden, điều mà gã khổng lồ xe hơi Hàn Quốc cho rằng có thể khiến họ gặp bất lợi tại thị trường Mỹ.
Đạo luật này yêu cầu các nhà sản xuất xe điện lắp ráp ô tô của họ ở Bắc Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các bộ phận và vật liệu của pin để nhận được khoản tín dụng thuế tối đa 7.500 USD. Đó là một đòn giáng mạnh vào Hyundai và chi nhánh Kia, vốn không có bất kỳ nhà máy xe điện nào đang hoạt động ở Mỹ.
Hyundai đang đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất pin và lắp ráp xe điện gần Savannah, bang Georgia, Mỹ. Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc cho biết, dự án sẽ tạo ra 8.100 việc làm mới tại nhà máy, được khởi công vào đầu năm 2023 và bắt đầu sản xuất vào năm 2025.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Korea.net)