Với lập trường cứng rắn về chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cùng thái độ thù địch với Mỹ, nhiều nhà quan sát chỉ ra, hy vọng lớn nhất trong giải quyết cuộc khủng hoảng Đông Bắc Á sẽ đặt trong tay Hàn Quốc. Trên thực tế, các chính khách Seoul vẫn đang nỗ lực đưa ra các giải pháp hòa bình đối với người hàng xóm.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tin rằng, cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên là đi theo cách tiếp cận mà hai nhà lãnh đạo trong quá khứ từng áp dụng thành công.
Tuy nhiên, khúc mắc của vấn đề đã thể hiện rõ ràng trong những ngày qua đó là Triều Tiên chưa có thiện ý muốn nói chuyện. Quốc gia này tiếp tục chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với một sự tiến bộ đáng kinh ngạc và đe dọa sẽ khởi động cuộc tấn công nhắm vào đảo Guam của Mỹ.
Giới phân tích đánh giá, Bình Nhưỡng có thể tìm cách sử dụng năng lực hạt nhân của mình như một điều khoản đầy sức nặng ép buộc Mỹ phải từ bỏ mọi hành động gây áp lực lên Triều Tiên cũng như rút lực lượng quân sự ra khỏi Hàn Quốc. Yêu cầu này chắc chắn sẽ khiến cả Washington và Seoul phải cảm thấy khó nghĩ. Bởi vậy, Tổng thống Moon Jae-in có lẽ sẽ phải đi tìm một phương án hòa giải khác.
Hai miền Triều Tiên đã tổ chức các cuộc đàm phán chính thức cuối cùng vào tháng 12/2015. Kể từ đó đến nay, kết quả mang lại chỉ là việc Bình Nhưỡng tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa và hai vụ thử hạt nhân.
Trong một bài phát biểu ngày 6/7 tại Berlin, ông Moon hứa hẹn sẽ xây dựng chương trình đàm phán dựa trên di sản của các nhà lãnh đạo Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun với cái gọi là chính sách “Ánh mặt trời”. Thành công của cách tiếp cận này đã được chứng minh bằng các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử, tiến tới việc tái lập quan hệ tạm thời giữa hai miền Triều Tiên trong những năm 2000.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết, hai miền Triều Tiên nên khởi đầu cuộc thảo luận trên các lĩnh vực “dễ làm việc” cùng nhau. Ông đề nghị hai bên tiết giảm thái độ thù địch và nối lại các cuộc gặp mặt người thân của công dân hai nước, vốn bị ngăn cách kể từ sau chiến tranh. Seoul muốn mời Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội mùa Đông năm tới mà họ làm nước chủ nhà. Trong khi ông Moon Jae-in cũng đề xuất các dự án dài hạn đầy tham vọng, như kết nối lại tuyến đường sắt liên Triều và xây dựng một đường ống dẫn khí nối hai miền đi tới Nga.
Mặc dù vậy người đứng đầu Hàn Quốc nhấn mạnh các hợp tác nói trên sẽ không được cung cấp vô điều kiện. Ông lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và nhắc nhở Triều Tiên phải thông qua tiến trình phi hạt nhân hóa. Seoul sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng chỉ trong các điều kiện thích hợp.
Mở lại đối thoại với Bình Nhưỡng là mục tiêu rất quan trọng đối với Tổng thống Moon Jae-in, người nói Hàn Quốc nên là nước đi đầu trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng các nhà phân tích nói rằng các cuộc thử nghiệm ICBM đã cho thấy, Bình Nhưỡng chỉ muốn tập trung vào Washington và không quan tâm tới những “món quà” Seoul bày ra trước mắt.
Triều Tiên muốn thử nghiệm nhiều hơn nữa để hoàn thiện đầy đủ chức năng của ICBM và tìm kiếm một giải pháp răn đe hạt nhân đáng kể, để làm suy yếu liên minh giữa Washington và Seoul. Điều cuối cùng buộc Mỹ phải tham dự vào cuộc đàm phán hòa bình chính thức chấm dứt căng thẳng hai miền Triều Tiên. Quốc gia này cũng muốn các cuộc tập trận quân sự thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc phải dừng lại và hàng chục nghìn lính Mỹ lên đường trở về nước. Hơn hết, Bình Nhưỡng yêu cầu một bầu không khí dễ thở hơn và thoát khỏi áp lực nặng nề từ sự cô lập và lệnh trừng phạt của quốc tế. Rõ ràng yêu cầu của Bình Nhưỡng lớn hơn bất cứ điều gì mà Seoul có thể cung cấp. Đây là lý do nỗ lực đàm phán hòa bình của Hàn Quốc chưa bao giờ thành công.
Tổng thống Moon Jae-in từng chỉ trích gay gắt chính sách cứng rắn dưới thời Park Geun-hye, mà ông nói, điều đó càng khiến tình hình rơi vào bế tắc. Thay vào đó ông muốn hướng tới một đường lối linh hoạt hơn với người hàng xóm. Nhưng chỉ sau cuộc thử nghiệm ICBM lần hai của Triều Tiên, người đứng đầu Seoul đã thay đổi lập trường khi ra lệnh cho quân đội của mình lên kế hoạch đàm phán với Washington về việc triển khai tên lửa hạng nặng ở Hàn Quốc, bổ sung bệ phóng cho hệ thống phòng thủ tên lửa.
Hong Min, một nhà phân tích tại viện Thống nhất Quốc gia ở Hàn Quốc cho biết, vẫn còn kỳ vọng cho thấy Bình Nhưỡng có thể chấp nhận đề xuất của Seoul nếu các biện pháp tăng cường trừng phạt của Liên Hợp Quốc mới áp dụng gần đây có hiệu quả. Nhưng, ông nói, "điều quan trọng là Seoul phải cùng với cộng đồng quốc tế cùng chung sức tìm kiếm giải pháp, thay vì tiếp cận nó như là một vấn đề của riêng các nhà lãnh đạo Hàn Quốc”.