Khoảng 14h ngày 14/2/2018, giờ địa phương, một thanh niên có tên Nicolas de Jesus Cruz, 19 tuổi, là cựu học sinh của trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, Mỹ đã mang theo 1 khẩu súng trường và xả súng từ bên ngoài, sau đó tiến vào trong ngôi trường.
Nghi phạm đã kích hoạt chuông báo cháy gây ra tình trạng hỗn loạn trong trường trước khi tiến hành vụ xả súng. Cảnh sát bang Florida thông tin trên CNN, nghi phạm Cruz bắt đầu xả súng khiến 3 người thiệt mạng từ bên ngoài ngôi trường cũ của y. Sau đó, nghi phạm tiến vào bên trong và bắn khiến nhiều người khác tử vong. Theo giới chức bang Florida, 14 học sinh và 3 nhà giáo dục đã thiệt mạng. Đây là vụ xả súng gây thương vong lớn nhất ở trường trung học tại Mỹ.
Ngày 14/2/2022, nhân dịp tưởng niệm 4 năm ngày xảy ra vụ việc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội ban hành các biện pháp nhằm giảm bạo lực súng đạn.
Ông Biden cho biết trong một tuyên bố rằng Quốc hội “phải làm nhiều hơn nữa” trong nỗ lực chống lại tội phạm bạo lực, bao gồm yêu cầu kiểm tra lý lịch về việc bán súng, cấm vũ khí tấn công và loại bỏ quyền miễn trừ pháp lý đối với các nhà sản xuất súng.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt ngân sách phân bổ thêm 5 tỷ USD cho các chiến lược giảm tội phạm bạo lực và yêu cầu thêm tài trợ cho Cơ quan Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ (ATF).
Tổng thống Biden nhấn mạnh, chính quyền Mỹ sẽ “sát cánh cùng những người ủng hộ để chấm dứt nạn bạo lực súng đạn," đồng thời đề xuất một kế hoạch để giảm tội phạm súng bằng cách ngăn chặn các giao dịch "súng ma" (không có nguồn gốc, do tư nhân sản xuất), tăng cường giám sát những kẻ buôn bán súng vi phạm luật pháp.
Các vụ xả súng và bạo lực súng đạn xảy ra những năm qua khiến dư luận Mỹ phản ứng mạnh mẽ. Vụ xả súng tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas đã châm ngòi cho phong trào "March for Our Lives" - một cuộc vận động do thanh niên Mỹ khởi xướng nhằm chấm dứt bạo lực súng đạn. Tuy nhiên, vấn đề trên gặp phải sự đình trệ tại Quốc hội Mỹ, khi những nỗ lực của đảng Dân chủ trong việc tìm cách ban hành luật kiểm soát súng vào năm ngoái bị các Nghị sỹ đảng Cộng hòa ở Thượng viện chặn lại.
Thực tế, dù việc sở hữu vũ khí là một trong những quyền quan trọng được ghi trong Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ, song trong suốt phần lớn chiều dài lịch sử nước Mỹ, kiểm soát súng luôn trở thành một vấn đề gây chia rẽ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Dựa trên các quan điểm khác nhau về giá trị tự do và bình đẳng, hai đảng hàng đầu của Mỹ thường thúc đẩy các chính sách đối ngược nhau về vấn đề này.
Năm 2008, Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ những quy định hạn chế quyền sở hữu súng với phán quyết khẳng định, quyền sở hữu súng, bao gồm quyền giữ súng đã lên đạn để tự vệ, là quyền được ghi trong Hiến pháp Mỹ.
Phần lớn Nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối mạnh việc hạn chế súng, cho rằng dự luật như vậy sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ về quyền sở hữu súng trong khi không giúp người dân Mỹ an toàn hơn. Trong khi đó, đảng Dân chủ muốn có những đạo luật mới để kiềm chế bạo lực súng đạn tại Mỹ và để đảm bảo vũ khí không rơi vào tay những phần tử nguy hiểm.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew trong thập niên 1990 và đầu 2000, khoảng 30% dân Mỹ cho rằng bảo vệ quyền sở hữu súng quan trọng hơn luật kiểm soát súng. Sau khi ông Obama vào Nhà Trắng, con số này tăng lên 45%, đến tháng 7/2015 thì tăng lên 50%. 70-85% người Mỹ ủng hộ việc kiểm tra lý lịch ngặt nghèo người mua súng, thắt chặt luật cấm người tâm thần mua súng và xây dựng cơ sở dữ liệu liên bang để theo dõi việc mua bán súng.
Chính phủ Mỹ vẫn có thể đưa ra một số hạn chế như cấm tội phạm từng bị xét xử và người mắc bệnh tâm thần mua súng đạn. Người mua súng đạn cũng bị kiểm tra lý lịch. Tuy nhiên bất chấp các vụ xả súng đẫm máu những năm qua và phản ứng của dư luận nước này, trên thực tế các quy định kiểm soát súng đạn tại Mỹ bị nới lỏng đáng kể.
Theo dữ liệu thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Everytown for Gun Safety, trong thời gian từ 1/8-31/12/2021, nước Mỹ đã phải chứng kiến ít nhất 136 vụ sả xúng tại các trường học.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VTV, Công an nhân dân)