Kazakhstan đang đối thoại với Nga dựa trên tính chất chiến lược và thân thiện của mối quan hệ giữa hai nước, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thủ đô Astana của Kazakhstan hôm 20/5 để dự cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ diễn ra vào ngày 21/5. Kazakhstan đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên SCO từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024.
“Nga là đối tác chiến lược và đồng minh quan trọng của chúng tôi. Đó là lý do tại sao trong mối quan hệ của chúng tôi với nhà nước Nga, chúng tôi đặc biệt dựa vào điều đó”, ông Tokayev cho biết khi nói về quan hệ Nga-Kazakhstan.
“Điểm này đã được xác nhận trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 11 năm ngoái”, nhà lãnh đạo Kazakhstan cho biết thêm.
“Các thỏa thuận rất quan trọng đã được ký kết và hiện đang được thực hiện”, Tổng thống Tokayev lưu ý, và nói thêm ông tin rằng “các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm nên được thực hiện đầy đủ”.
“Cách đây vài ngày, tôi đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Liên bang Nga. Chúng tôi cũng chia sẻ quan điểm về sự phát triển hợp tác giữa các nước chúng ta nói riêng. Chúng tôi một lần nữa nêu rõ sự cần thiết phải thực hiện đúng tất cả các thỏa thuận đã đạt được trước đó”, ông Tokayev nói.
Theo Tổng thống Kazakhstan, thương mại song phương giữa hai nước đang phát triển thành công, đạt con số kỷ lục 27 tỷ USD, mặc dù tất nhiên còn nhiều hơn thế nữa. “Hợp tác đầu tư đang tích cực phát triển”, ông lưu ý.
“Hơn nữa, tôi muốn nói với các vị rằng chúng tôi gặp gỡ các đại diện và nhân vật cấp cao trong giới kinh doanh Nga. Điều này rất quan trọng vì khi chúng tôi nói về bản chất thân thiện của mối quan hệ giữa các nước chúng ta, sự tin cậy lẫn nhau cũng phải thể hiện trong một lĩnh vực quan trọng như hợp tác đầu tư”, Tổng thống Kazakhstan kết luận.
Theo Viện Nghiên cứu Á-Âu (ERI), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là một tổ chức liên chính phủ về chính trị, kinh tế và an ninh Á-Âu, được thành lập vào năm 2001 bởi 6 quốc gia Á-Âu (Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan) và đã phát triển khá nhanh chóng kể từ đó để trở thành một bên tham gia tương đối nổi bật trong khu vực.
Vào tháng 12 năm 2004, SCO đã đạt được tư cách quan sát viên chính thức tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA). Khi thành lập SCO, các quốc gia thành viên chỉ ra mục tiêu chính đầu tiên của SCO là tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tình hữu nghị và tình láng giềng tốt đẹp giữa các quốc gia thành viên.
SCO hiện đã mở rộng với 9 thành viên, ngoài 6 thành viên sáng lập còn có Ấn Độ, Iran và Pakistan. Tổ chức này cũng có 3 quan sát viên, gồm Afghanistan, Belarus, và Mông Cổ.
Minh Đức (Theo TASS, Kazinform)