Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa công bố kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính và đáp ứng các cam kết của quốc gia Tây Âu đối với các mục tiêu khí hậu trong vòng 7 năm tới.
Trong phiên họp đặc biệt tại Điện Elysee với các Bộ trưởng chủ chốt chiều hôm 25/9, ông Macron cho biết, kế hoạch khí hậu của chính phủ sẽ giúp Pháp trở nên “có chủ quyền, cạnh tranh và công bằng” hơn khi nước này thúc đẩy nền kinh tế ít carbon.
Kế hoạch này, theo ông, là một phần trong chiến lược của Pháp nhằm thúc đẩy “một hệ sinh thái tạo ra giá trị kinh tế” ở châu Âu và chấm dứt “sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch”, mà ông cho rằng với cái giá phải trả tổng cộng là 120 tỷ Euro mỗi năm đối với Pháp.
“Đòn bẩy tuyệt vời”
Bước đầu tiên của kế hoạch liên quan đến việc tăng gấp 3 lần sản lượng máy bơm nhiệt hiện tại trong 4 năm tới, tiếp theo là các biện pháp giảm phát thải trong giao thông và công nghiệp.
Gọi máy bơm nhiệt là “đòn bẩy tuyệt vời” để thay thế, với mức tiêu thụ năng lượng và lượng phát thải thấp hơn nhiều, ông Macron cho biết Pháp sẽ sản xuất 1 triệu thiết bị loại này và đào tạo 30.000 người có thể lắp đặt máy bơm nhiệt vào năm 2027 khi ông rời nhiệm sở sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống liên tiếp.
Máy bơm nhiệt là thiết bị có thể vừa làm nóng vừa làm mát không khí, đồng thời ngày càng được coi là giải pháp thay thế thân thiện với khí hậu cho các hệ thống sưởi ấm bằng nhiên liệu hóa thạch như nồi hơi đốt gas cũng như điều hòa không khí.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc sưởi ấm không gian và đun nước nóng chiếm gần 1/2 mức sử dụng năng lượng toàn cầu trong các tòa nhà, với gần 2/3 hiện được thực hiện với nhiên liệu hóa thạch.
Cơ quan này đã kêu gọi triển khai nhanh hơn các máy bơm nhiệt và các phương tiện khử carbon khác để đáp ứng cam kết của các chính phủ nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Macron cũng cho biết Chính phủ Pháp sẽ chi 700 triệu Euro để xây dựng 13 tuyến tàu tốc hành nối trung tâm các thành phố của Pháp với các vùng ngoại ô tương ứng, được gọi là Réseau Express Régional (RER), “để khuyến khích người dân chuyển từ ô tô cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp hơn”.
Ông cho biết hợp đồng sẽ được ký với các chính quyền khu vực, cho phép ngành đường sắt của đất nước triển khai các dự án mới và tạo việc làm.
Pháp đã cam kết cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990, phù hợp với mục tiêu của Liên minh Châu Âu (EU). Ông Macron cho biết điều này “có thể đạt được”, nhưng cũng có nghĩa là Pháp phải tiến “nhanh gấp đôi” so với những năm trước.
“Chúng ta cần thành công trong việc giảm lượng khí thải 5% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2030” - trong khi mức giảm trong 5 năm qua chỉ là 2% mỗi năm, ông Macron nói. “Toàn bộ chiến lược này sẽ cho phép chúng ta giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than đá, dầu mỏ và khí đốt... từ 60% xuống còn 40% vào năm 2030”.
“Lấy lại quyền kiểm soát”
Tổng thống Pháp xác nhận rằng 2 nhà máy đốt than còn lại của nước này sẽ ngừng hoạt động và chuyển đổi sang năng lượng sinh khối, được sản xuất bằng cách đốt gỗ, thực vật và các vật liệu hữu cơ khác, vào năm 2027. Các nhà máy than hiện chiếm chưa đến 1% sản lượng điện của Pháp.
Ban đầu 2 nhà máy này được lên kế hoạch đóng cửa vào năm ngoái, nhưng khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine và việc đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân của Pháp vì nhiều vấn đề khác nhau đã khiến chính phủ phải trì hoãn quyết định này. Pháp dựa vào năng lượng hạt nhân để sản xuất hơn 60% điện năng – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao do xung đột Nga-Ukraine và lạm phát leo thang, ông Macron tuyên bố Pháp sẽ “lấy lại quyền kiểm soát” giá điện.
“Chúng ta sẽ có thể công bố chi tiết giá điện vào tháng 10 phù hợp với khả năng cạnh tranh của chúng ta”, Tổng thống Pháp nói, bổ sung thêm rằng điều này sẽ áp dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. “Vào cuối năm nay, chúng ta sẽ giành lại quyền kiểm soát giá điện ở cấp độ Pháp và châu Âu”.
Ông Macron cho biết, một thách thức khác là tăng cường sử dụng xe điện bằng cách sản xuất ô tô và pin trong nước.
Người Pháp “yêu xe hơi của họ, và tôi cũng vậy”, Tổng thống Macron nói tối hôm 24/9 trên truyền hình quốc gia, thừa nhận sự miễn cưỡng của công chúng trong việc chuyển sang sử dụng xe điện với giá mua cao hơn xe động cơ đốt trong.
Tại cuộc họp hôm 25/9, ông Macron cho biết rằng Chính phủ Pháp sẽ công bố một hệ thống do nhà nước tài trợ vào tháng 11 để cho phép các hộ gia đình có thu nhập khiêm tốn thuê ô tô điện do châu Âu sản xuất với giá khoảng 100 Euro (106 USD) mỗi tháng.
Điều đó sẽ bắt đầu với vài chục nghìn chiếc ô tô vào năm tới. Và đến năm 2027, Pháp sẽ sản xuất ít nhất 1 triệu xe điện, mở 4 nhà máy sản xuất pin ở phía Bắc đất nước, và trở thành nước xuất khẩu pin xe điện trong cùng năm đó, ông Macron nói.
Minh Đức (Theo AFP/RFI, AP, Reuters)