Theo thông báo từ phía Nhà Trắng hồi cuối tháng Chín vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới công du 5 quốc gia châu Á trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 14/11. Theo lịch trình, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tới Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC vào ngày 10/11.
Hiện phía Mỹ vẫn chưa tiết lộ cho báo giới số lượng người sẽ tháp tùng Tổng thống Trump khi ông tới Việt Nam. Tuy nhiên, như thường lệ, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 người đi theo, gồm các quan chức Chính phủ, tùy tùng của Tổng thống, doanh nghiệp, mật vụ và các lực lượng an ninh.
Trong một cuốn sách viết về cuộc sống của những nhân viên mật vụ có nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ, tác giả Jeffrey Robinson cho biết, để đảm bảo chuyến công du của nguyên thủ diễn ra suôn sẻ, từ trước đó 3 tháng, các mật vụ cùng nhân viên Nhà Trắng luôn phải tiền trạm và kiểm tra kỹ lưỡng những địa điểm mà Tổng thống dự kiến ghé thăm.
Họ cần phải làm việc với chính quyền các quốc gia sở tại để yêu cầu đảm bảo an ninh không phận, bố trí các đoàn xe dẫn đường và quan trọng nhất là tìm kiếm bệnh viện và nơi có thể ẩn náu trong những trường hợp khẩn cấp hoặc xảy ra một vụ tấn công.
Vài ngày trước khi diễn ra chuyến thăm, mật vụ Mỹ có nhiệm vụ siết chặt an ninh và kiểm tra những chặng dừng chân trong lộ trình của ông chủ Nhà Trắng. Chó nghiệp vụ sẽ hỗ trợ công tác tìm kiếm chất nổ để đảm bảo không xảy ra các tình huống bất ngờ ở những địa điểm gần khách sạn Tổng thống nghỉ.
Ngoài ra, những đội bảo vệ sẽ túc trực 24/24h để hộ tống Tổng thống rời khỏi xe limousine trong trường hợp có tình huống xấu phát sinh.
Sẽ có ít nhất 6 chiếc máy bay tháp tùng chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ. Trong đó, một số máy bay chuyên vận chuyển trực thăng, xe limousine bọc thép cùng những thiết bị liên lạc cần thiết khác. Số khác chở nhân viên và các thành viên tháp tùng đoàn.
Khi người quyền lực nhất nước Mỹ tới khách sạn nghỉ, thông thường ông sẽ không đi bằng cửa chính, mà sử dụng lối đi phụ để tránh gây sự chú ý không cần thiết. Phòng khách sạn của Tổng thống Mỹ được kiểm tra ở mức độ khắt khe nhất nhằm loại bỏ thiết bị quay phim, nghe lén hay thậm chí thuốc nổ. Các cửa sổ sẽ được gắn lên lớp chống đạn, trong khi vô tuyến hay điện thoại ở trong phòng sẽ được thay thế bằng các thiết bị riêng tương ứng.
Cũng theo tiết lộ của Jeffrey Robinson, 3 lớp an ninh nghiêm ngặt để bảo vệ nhà lãnh đạo Mỹ gồm cảnh sát ở vòng ngoài cùng, nhân viên mật vụ ở giữa và trong cùng là đặc vụ của Đơn vị Bảo vệ Tổng thống.
Các nhân viên an ninh được bố trí dày đặc ở tầng có phòng nghỉ của Tổng thống. Ngoài ra, 3 tầng phía trên và dưới đều được phong tỏa an ninh nghiêm ngặt. Đây cũng là nơi các thành viên tháp tùng đoàn ở lại.
Nếu Tổng thống Mỹ gặp phải các vấn đề sức khỏe trong quá trình công tác, lực lượng mật vụ cần hộ tống ông tới bệnh viện trong khoảng thời gian tối đa là 10 phút. Thức ăn, đầu bếp phục vụ Tổng thống cũng đều là những người do Nhà Trắng tự sắp xếp, cuốn sách của tác giả Jeffrey Robinson cho hay.
Công tác bảo vệ Tổng thống Mỹ luôn đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt, do đó sẽ cần những khoản chi phí rất lớn để phục vụ cho công tác này. Riêng với việc đảm bảo an toàn cho ông Donald Trump cùng gia đình ở trong nước, cho tới tháng Tám vừa qua, mật vụ Mỹ đã sử dụng hết toàn bộ số tiền lẽ ra để trả lương, phụ cấp cho hơn 1.000 nhân viên mật vụ trong năm 2017. Đó là chưa kể những áp lực từ khối lượng công việc “khủng” không có dấu hiệu giảm đối với những mật vụ có trách nhiệm bảo vệ Tổng thống.
Công việc đảm bảo an toàn, bảo vệ yếu nhân có lẽ là công việc căng thẳng nhất thế giới, tuy nhiên không phải ai cũng được đứng trong hàng ngũ này.
Xem thêm: Tổng thống Putin báo tin mừng của Nga tại chiến trường Syria
D.T