Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Donald Trump đã hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và chứng kiến lễ ký kết các văn kiện, gặp gỡ báo chí; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tại các buổi tiếp xúc, hai bên đã tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ trên cơ sở những Tuyên bố chung trước đây giữa hai nước; tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Hai bên cam kết sẽ làm sâu sắc hơn và mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư song phương thông qua các cơ chế chính thức, bao gồm Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA); cam kết tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp, trong đó có cá da trơn, tôm, xoài; cam kết thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và công bằng trong các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có dịch vụ thanh toán điện tử, ô tô và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Hai bên khẳng định cam kết chung làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và quyết tâm chung đối phó với các thách thức an ninh khu vực; khẳng định Kế hoạch hành động về Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 2018 - 2020 nhằm thực thi Bản ghi nhớ về Tăng cường hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ quốc phòng năm 2015.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác để khắc phục các hậu quả chiến tranh; cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm tin tức của bộ đội Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh; ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Hai bên cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ – ASEAN trên cơ sở các nguyên tắc nêu trong Tuyên bố Sunnylands 2016; nhất trí về tầm quan trọng của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình.
Lãnh đạo hai nước kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Hai bên cũng kêu gọi tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông làm rõ và thực thi những yêu sách hàng hải của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, và thực hiện một cách thiện chí những trách nhiệm pháp lý quốc tế của mình trong quá trình quản lý và giải quyết tranh chấp.
Theo TTXVN