Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du châu Á. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là đất nước Nhật Bản. Bao trùm cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo là vấn đề Triều Tiên. Cả hai bên cùng chia sẻ những mối quan tâm chung và cách thức để đạt được những giải pháp hài hòa, hợp lý nhất để giải quyết vấn đề “đau đầu” này.
Ông Trump và ông Abe đã cùng chia sẻ chiến lược gây áp lực quốc tế tối đa đối với Bình Nhưỡng, buộc quốc gia này từ bỏ vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, có thể sẽ mất khá nhiều thời gian để xoa dịu những căng thẳng trong khu vực do những hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên. Do đó, nhà lãnh đạo Mỹ tỏ ra nôn nóng khi tuyên bố “thời đại kiên nhẫn chiến lược đã hết”.
Tổng thống Mỹ ủng hộ một Nhật Bản quân phiệt hơn, khẳng định Tokyo nên bắt đầu mua các khí tài quân sự được sản xuất tại Mỹ để tăng cường khả năng tự vệ trước những mối đe dọa từ Triều Tiên. Đáp lại, nhà lãnh đạo Nhật Bản cho hay, Chính phủ của ông đã mua nhiều loại khí tài từ Mỹ và đồng ý với ông Trump về nhu cầu “tăng cường khả năng phòng ngự” của Tokyo.
Ông Abe, với những lời lẽ mạnh mẽ, nhấn mạnh rằng đã tới lúc cần gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng. “Hơn 20 năm qua, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực đối thoại với Triều Tiên. Giờ không phải lúc đàm phán nữa mà cần gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng”, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố.
Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng Một, đây là lần thứ năm ông gặp mặt trực tiếp Thủ tướng Abe. Họ đã cùng nhau chơi golf, dùng bữa với hamburger và thịt bò Kobe chế biến theo kiểu Mỹ, được coi là một trong những món ăn khoái khẩu của ông Trump.
Dường như ông Abe tin rằng, mối quan hệ cá nhân ngày càng sâu sắc hơn với Tổng thống Mỹ đang góp phần tăng cường liên minh an ninh song phương, giúp đối phó với mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên cũng như những hành động trên biển ngày càng phức tạp của Trung Quốc.
Trước những binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Yokota, ông Trump gọi Nhật Bản là “một đối tác quý giá và là một đồng minh trụ cột” của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ nói sau cuộc đàm phán với ông Abe vào hôm 6/10 rằng: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi chưa bao giờ gần gũi với Nhật Bản như lúc này”.
Chia sẻ với chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề Bình Nhưỡng, ông Abe bày tỏ sự ủng hộ với chính sách Mỹ về việc tất cả các phương án, kể cả tấn công bằng quân sự, đều nằm trong nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Tuy nhiên, một nỗ lực nhằm sử dụng biện pháp quân sự nhằm giải quyết khủng hoảng – thậm chí ở quy mô hạn chế - cũng khiến đồng minh của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
Một báo cáo vừa được công bố của trung tâm Nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã dẫn ra 7 phương án quân sự mà Lầu Năm Góc có thể sử dụng để đối phó với Bình Nhưỡng, gồm các cuộc tấn công nhằm loại bỏ tên lửa đạn đạo và các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Nhưng báo cáo cũng nhấn mạnh rằng “bất kỳ động thái nào liên quan tới quân sự”, dù do Bình Nhưỡng, Washington hay Seoul phát động, cũng đều có thể gây ra cuộc leo thang xung đột dẫn tới hậu quả thảm khốc ở bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và khu vực Đông Á”.
Một kịch bản như vậy cần được ngăn chặn, nó không chỉ đòi hỏi những áp lực mà còn cần những cuộc đàm phán. Do đó, cả Washington và Tokyo cần tìm kiếm tất cả các giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên, kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia có trách nhiệm bảo vệ an ninh khu vực Đông Bắc Á.
Ông Abe cho hay, ông đồng ý với Tổng thống Trump rằng Trung Quốc nên đóng vai trò tích cực hơn trong căng thẳng Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh điều quan trọng là phải tạo ra một tình huống mà ở đó Triều Tiên buộc phải tìm kiếm đối thoại bằng những đề nghị thay đổi chính sách của chính họ.
Theo các quan chức Nhật Bản, trong cuộc gặp Thủ tướng Abe, ông Trump không đề cập nhiều tới vấn đề thương mại tự do song phương giữa hai nước, điều mà Nhật Bản luôn cố gắng thúc đẩy.
Trong một cuộc gặp giữa các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ, ông Trump cho rằng Tokyo không thực hiện quy trình thương mại “công bằng và rộng mở” đối với Mỹ, nhưng ông tin hai quốc gia “sẽ sớm đạt được những thỏa thuận thương mại có lợi cho cả đôi bên”.
Ông Abe cho hay Tokyo sẽ nỗ lực phát triển quan hệ kinh tế Nhật – Mỹ trong khuôn khổ đối thoại song phương do Phó Thủ tướng Taro Aso và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dẫn đầu. Đã tới lúc Tokyo cần điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với những yêu cầu của Mỹ.
Xem thêm: TT Trump muốn tăng 4 tỷ USD đối phó tên lửa Triều Tiên khi đang thăm châu Á